Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

17/01/2024 06:12

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 16/5/2022) của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thời gian vừa qua, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong giai đoạn này, tỉnh chủ trương thu hút 246 dự án đầu tư, trong đó lĩnh vực Nông, lâm nghiệp có 97 dự án; lĩnh vực Công nghiệp có 33 dự án; lĩnh vực Văn phòng- Thương mại- Dịch vụ- Du lịch có 72 dự án; lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị 44 dự án. Các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền và quảng bá về tiềm năng đầu tư của tỉnh, chủ động làm việc, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh đối với những ngành mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.

Tính riêng trong năm 2023, tỉnh ta đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký khoảng 2.011 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022; ký kết biên bản ghi nhớ với 3 doanh nghiệp về hợp tác đầu tư.

UBND tỉnh duy trì tổ chức Chương trình Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: TH

 

Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; UBND tỉnh duy trì Chương trình đối thoại với doanh nghiệp 2 lần/năm và chương trình cà phê doanh nghiệp- doanh nhân định kỳ hằng tháng để kịp thời nắm bắt thông tin, có định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh ta triển khai kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính bằng việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…

Với những nỗ lực tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn, năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế- xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn tỉnh vẫn có 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.300 tỷ đồng; 61 hợp tác xã được thành lập mới, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn là 285, tăng 22,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Các ngành, địa phương cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; từ đó, số lượng, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến và số hóa hồ sơ; việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 của UBND tỉnh, hiện tại, tổng số thủ tục trên địa bàn toàn tỉnh là 1.711 thủ tục, trong đó, cấp tỉnh là 1.377 thủ tục, cấp huyện là 207 thủ tục, cấp xã là 102 thủ tục, chung 3 cấp là 25 thủ tục. Đến nay, tỉnh đã cung cấp 720 dịch vụ công toàn trình, 702 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.377/1.711 TTHC của tỉnh (đạt 80,5%).

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Ảnh: TH

 

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng cao, được thể hiện rõ nét thông qua sự tăng trưởng vượt bậc về chỉ số PCI. Theo số liệu và kết quả điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021; các chỉ số cải cách hành chính; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cũng có sự cải thiện.

Năm 2024, tỉnh ta đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên; duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 5 bậc so với năm 2023.

Vì vậy, trong các giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, UBND tỉnh đề ra định hướng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, nâng cao năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển; các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, nhất là những vùng sản xuất nông sản hàng hóa; chú trọng hình thành các hình thức liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh, tạo bước đột phá mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2024 là năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Vì vậy, việc tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.                           

Thùy Hương

Chuyên mục khác