Thủy điện và câu chuyện sinh kế cho người dân

03/12/2022 13:21

Vấn đề giải quyết sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng do các công trình thủy điện thời gian qua đã được chính quyền địa phương và chủ đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, tại một số công trình, việc giải quyết đền bù, hỗ trợ sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Khi chưa có sự đồng thuận trong giải quyết vấn đề phát sinh

Theo số liệu cáo báo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, hiện có 28 dự án đã hoàn thành; 12 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng; 37 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng; 4 vị trí công trình chưa có chủ trương đầu tư.

Theo đánh giá, các dự án thủy điện hầu hết đã phát huy và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực nơi dự án đầu tư. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; làm tăng nguồn thu ngân sách; cải tạo môi trường ven hồ chứa; giảm lưu lượng đỉnh lũ, tích nước điều hòa dòng chảy.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt bị ảnh hưởng của cơn bão số 6, số 9 năm 2020 và mưa lũ năm 2021, một số công trình thủy điện vận hành gây ngập úng, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản, hoa màu của các hộ dân như các công trình Đăk Pô Cô, Hồ cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla, Đăk Psi 5, Đăk Psi, Plei Kần.

Đảm bảo giao thông đi lại cho người dân được quan tâm giải quyết. Ảnh: Q.T

 

Theo ghi nhận tại buổi khảo sát của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tại xã Đăk Pxi ngày 22/11/2022, 13 hộ dân thôn Đăk Wek, xã Đăk Pxi (Đăk Hà) phản ảnh, thời gian qua, công trình thủy điện Đăk Psi 5 đưa vào hoạt động, vào mùa mưa lũ nước dâng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu.

Anh A Phên, thôn Đăk Wek, xã Đăk Pxi cho hay, từ khi nhà máy thủy điện Đăk Psi 5 hoạt động, hằng năm khi vào mùa mưa lũ gần 1.000 cây cà phê của nhà anh thường xuyên bị ngập, do đó cây không thể phát triển, làm giảm năng suất, ảnh hưởng tới thu nhập của gia đình. Bên cạnh đó một số nhà bên cạnh mưa lũ cũng làm bồi lấp ruộng trồng lúa và giếng nước sinh hoạt.

Chị Võ Thị Vi, thôn Đăk Wek cũng phản ánh: “Mưa lũ về, nước dâng làm nhà bị ngập hơn 1m, toàn bộ tài sản và hoa màu đều bị ảnh hưởng. Gia đình tôi lo sợ không biết nhà có thể bị sập lúc nào nên không dám ở. Chúng tôi chỉ mong muốn được bồi thường thỏa đáng để gia đình có điều kiện di dời đến chỗ khác làm ăn, ổn định cuộc sống”.

Theo ông Trần Phước Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, từ năm 2020 đến nay, đã có hàng trăm hộ dân bị thiệt hại do thủy điện xả lũ vào mùa mưa với tổng thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng. Các chủ đầu tư đã rà soát, chi trả hỗ trợ thiệt hại số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở thôn Đăk Wek chưa chấp nhận tiền đền bù thiệt hại (như hộ anh A Phên và chị Võ Thị Vi) vì cho rằng mức bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng. Vấn đề này đã được chính quyền xã nắm bắt và yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục giải quyết.

Giải quyết vấn đề sinh kế lâu dài

Công trình thủy điện Đăk Mi 1, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei được khởi công xây dựng năm 2009, đến nay đã qua nhiều chủ đầu tư, từ năm 2019 đã chuyển giao cho Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum. Để thi công công trình này thì phải di dời 37 hộ dân đến nơi ở mới. Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 1 đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án quy hoạch khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, điện, nước. Đến nay, cơ bản 37 hộ dân khu tái định cư đã có nhà ở với diện tích 66m2, hệ thống điện, đường cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ông A Chép - Trưởng thôn Đăk Mi cho biết: “Người dân trong thôn hài lòng về nơi ở mới, vì tốt hơn nơi ở cũ nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thành công trình nước tự chảy cho người dân sinh hoạt ổn định; khẩn trương đưa nhà văn hóa thôn vào sử dụng và hỗ trợ làm cầu treo giúp người dân đi ra khu sản xuất được thuận lợi hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có thể trồng rau, cây ăn quả, cây xanh, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa”.

Khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 1, xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei. Ảnh: QT

 

Ông Đỗ Xuân Yến - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quang Đức cho hay: “Chúng tôi đã và đang làm hết sức theo đúng yêu cầu và nguyện vọng của bà con vùng tái định cư. Vấn đề sinh kế lâu dài cho bà con được chúng tôi hết sức quan tâm. Chúng tôi thực sự mong muốn có được sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và người dân trong vấn đề tái định cư để phục hồi sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống lâu dài”.

Theo bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, khu tái định cư thôn Đăk Mi, xã Đăk Choong được quy hoạch bài bản, có thể đảm bảo tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hiện 37 hộ dân có nhà ở ổn định, hệ thống điện, đường đảm bảo. Huyện đang chỉ đạo địa phương phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thành các hạng mục còn lại để xây dựng nơi đây thành khu dân cư văn hóa trong thời gian tới.

An sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng từ các công trình thủy điện thời gian qua là vấn đề được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Tuy nhiên, để giải quyết tốt hơn nữa, ngoài việc chủ đầu tư các công trình thủy điện nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với địa phương, cộng đồng và người dân thì chính quyền địa phương cần thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai các chế độ chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của dân; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phát huy tinh thần đoàn kết để người dân cùng chia sẻ với doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo an sinh xã hội. 

Quốc Tuấn

Chuyên mục khác