30/08/2017 07:08
Chị Lục Thị Bình ở thôn 8, xã Ia Tơi mở cửa hàng tạp hóa buôn bán, trao đổi nông sản 4-5 năm nay. Từ những ngày đường sá đi lại còn khó khăn, sáng sớm, chị Bình đã chạy xe ra chợ Sê San (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) lấy các thực phẩm tươi sống về bán lại cho người dân trong vùng. Với các thực phẩm khô, nhu yếu phẩm thường ngày, 1 tuần 2 lần, các xe giao hàng từ Gia Lai sẽ vận chuyển hàng hóa đến tận nơi cung ứng hàng hóa để chị bán lại cho mọi người. Không chỉ thế, hàng ngày chị cũng mổ heo phục vụ cho bà con trong thôn, trong xã.
“Các nhu yếu phẩm ở đây bán giá nhỉnh hơn một chút so với dưới thành phố vì vận chuyển xa hơn, khó khăn hơn. Trên địa bàn xã chưa có lò mổ nên tôi mổ heo nhà nuôi bán ra để bà con có thịt tươi, thịt sạch. Từ lúc tôi mổ heo, thịt bán chạy lắm” – chị Bình chia sẻ.
Là huyện mới thành lập, chợ chưa có, đường sá đi lại còn xa xôi, bà con nơi đây chủ yếu mua các nhu yếu phẩm từ các cửa hàng tạp hóa trong thôn, trong xã. “Để ra đến chợ phải mất vài chục cây số nên từ dầu ăn, mắm, muối, bột ngọt... cho đến trang phục, giày dép chúng tôi đều mua tại các cửa hàng tạp hóa...”- chị Đinh Thị Diện, ở thôn 8, xã Ia Tơi chia sẻ.
|
Ngoài các cửa hàng tạp hóa, các “công ty 2 sọt” cũng là nguồn cung cấp hàng hóa chủ yếu cho bà con trên địa bàn. Thông thường, cứ sáng sáng, trên chiếc xe máy cà tàng và 2 chiếc sọt đầy ắp hàng hóa đủ loại, người bán hàng đi khắp các ngõ đường để cung cấp hàng hóa cho người dân.
Chị Dung với nhiều năm mở “công ty 2 sọt” cho biết: Sáng sớm tôi đi lấy thực phẩm tươi sống ở chợ Sê San về rồi chạy xe dọc khắp các tuyến đường để bán cho người dân kịp nấu ăn trong ngày. Lượng khách bán rất ổn định do bà con ít khi đi ra chợ vì quá xa xôi.
Cũng như người dân tại 2 xã Ia Tơi, Ia Dom, gần 3.000 khẩu (trong 11 thôn) tại xã Ia Đal cũng mua nhu yếu phẩm từ các cửa hàng tạp hóa, “công ty 2 sọt”. Ngoài ra, trên địa bàn xã, các nông trường cao su còn có căn tin bán nhu yếu phẩm cho công nhân. Thông thường công nhân sẽ mua các vật dụng cần thiết rồi trừ theo lương tháng.
Đặc biệt, bà con trên địa bàn xã Ia Đal còn trao đổi hàng hóa với người dân nước bạn Campuchia tại khu vực Hồ Le (thuộc thôn 7, xã Ia Đal). “Bà con hai bên thỉnh thoảng trao đổi nông sản, các mặt hàng thiết yếu với nhau. Chúng tôi cũng tuyên truyền, cùng với Đồn Biên phòng thắt chặt việc kiểm soát, quản lý đồng thời mời các chủ hàng về làm việc, nhắc nhở, yêu cầu cam kết thực hiện đúng quy định về kinh doanh lành mạnh, không để xảy ra tình trạng buôn bán trái phép ở khu vực biên giới” - ông Võ Tấn Lạc - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết.
Với các mặt hàng nông sản: mì, cà phê… đa số người dân bán cho các tư thương ở các nơi vào mua. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, dù đường nhựa đã được trải đều nhưng việc mua bán vẫn bị ép giá vì khoảng cách quá xa xôi.
“Nếu cà phê dưới Kon Tum bán được giá 10 ngàn đồng thì trên này chỉ bán được 8-8,5 ngàn đồng thôi. Còn ngược lại, thức ăn trên này đắt hơn ở thành phố cũng bởi chi phí vận chuyển nhiều hơn” – ông Trần Minh Quỳnh ở thôn 2, xã Ia Dom cho hay.
Nói về việc phát triển thương mại ở vùng biên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chánh Văn phòng UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Hiện tại, 3 xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal đều đã có quy hoạch chi tiết về xây dựng chợ nông thôn để đảm bảo việc mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh thống nhất về mặt chủ trương lập quy hoạch Khu thương mại biên giới tại khu vực Đồn Biên phòng Hồ Le để quản lý hoạt động mua bán hàng hóa qua các lối mở, UBND huyện Ia H’Drai đã phối hợp, làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công thương giới thiệu để quy hoạch chi tiết việc thành lập Khu thương mại biên giới (vị trí mặt bằng để san ủi làm bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa).
Ông Dũng cũng cho biết, hiện tại, khi chưa có khu thương mại biên giới, chưa có chợ nông thôn, bà con chủ yếu mua hàng hóa qua các cửa hàng tạp hóa cũng như những người đi bán hàng rong. Trước thực trạng trên, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra định kỳ, đột xuất các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh.
Thương mại là yếu tố tích cực để phát triển kinh tế hàng hóa, phát triển thương mại là một trong những bước thúc đẩy kinh tế đi lên. Chính vì vậy, dù còn nhiều thách thức nhưng cần đẩy mạnh hoạt động thương mại miền biên này để tháo gỡ những khó khăn, phát triển thị trường, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Bình An