13/11/2019 06:01
Thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2019; rà soát và trình cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 đối với các dự án không có khả năng giải ngân hết sang các dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn; thực hiện công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, thanh quyết toán đảm bảo theo quy định. Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của UBND tỉnh chính là lực đẩy tháo gỡ “nút thắt cổ chai” trong giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, do những tác động khách quan, ở một số địa phương và ngành chức năng vẫn tồn tại giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư và quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 được Trung ương giao cho tỉnh Kon Tum là 2.248,110 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn đã được phân bổ chi tiết cho các dự án là 2.100,044 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước hơn 1.551,867 tỷ đồng và vốn nước ngoài 548,177 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/8/2019, HĐND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn từ các nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương là 893,266 tỷ đồng và phân bổ chi tiết nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia 496,403 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư để triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ, vốn kế hoạch năm 2018 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2019 là 571,082 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/8/2019, tổng số vốn đầu tư phát triển đã giải ngân là 1.066,269 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,1% so với mức vốn kế hoạch địa phương giao. Trong đó, giải ngân của kế hoạch vốn năm 2019 là 975,299 tỷ đồng, đạt 50,7%; giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2019 là 90,970 tỷ đồng, đạt 15,92% kế hoạch; vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG đã giải ngân là 20,041/109,641 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,2%.
Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư thuộc ngân sách địa phương đạt 51,6% (riêng nguồn vốn tỉnh phân cấp đầu tư cho các huyện, thành phố đã giải ngân đạt 67%); giải ngân vốn thực hiện các Chương trình MTQG đạt 48,8% (trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 46,6%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt 49,3%); giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt 11,9% kế hoạch vốn; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2019 giải ngân được đạt tỷ lệ 13,49% kế hoạch vốn. Qua khảo sát thực tế, tính đến 31/8/2019, có 9/10 huyện, thành phố hiện chưa phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; riêng huyện Đăk Hà còn nợ đọng xây dựng cơ bản 51,193 triệu đồng.
|
Qua khảo sát tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum và các đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh..., cho thấy: việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo; tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm đạt thấp, tập trung giải ngân trong những tháng cuối năm, có khả năng đạt Kế hoạch đầu tư công năm 2019 HĐND tỉnh giao. Tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng năm 2019 cơ bản đạt trên 50% so với kế hoạch vốn năm 2019; riêng kế hoạch vốn năm 2018 kéo dài thực hiện sang năm 2019 tỷ lệ giải ngân đạt thấp, khoảng 16%.
Việc tăng cường phân cấp nguồn vốn đầu tư tạo điều kiện cho các huyện, thành phố chủ động trong việc bố trí, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư, tập trung vào một số công trình, dự án cấp bách, cần thiết tại địa phương.
Qua khảo sát thực tế một số công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cho thấy, các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả sử dụng. Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc các Chương trình MTQG cơ bản được các địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn. Trình tự, thủ tục đầu tư các công trình, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2019 cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.
Theo ông Hồ Văn Đà - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 đạt trên 50%, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (kể cả vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2019) được Trung ương giao có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, ảnh hưởng chung đến tiến độ bố trí, giải ngân vốn đối ứng cho từng dự án. Vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giải ngân rất thấp; cụ thể như Chương trình MTTQG xây dựng NTM đạt tỷ lệ 20%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt tỷ lệ 16,8%. Trình tự, thủ tục đầu tư công ở cấp xã tại một số địa phương chưa chặt chẽ theo quy định. Việc triển khai các dự án nhóm C quy mô nhỏ thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn các huyện, thành phố không có sự đồng nhất, chưa thực hiện theo cơ chế đặc thù. Việc lồng ghép các nguồn vốn, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư các công trình, dự án thuộc các Chương trình MTQG còn hạn chế, chưa đồng bộ. Việc chỉ đạo, hướng dẫn lập, phê duyệt các danh mục, dự án đầu tư thuộc các Chương trình MTQG còn chậm; việc phân định, giao cơ quan chủ trì, đầu mối triển khai thực hiện các Chương trình MTQG chưa cụ thể, thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn, nhất là vốn sự nghiệp thuộc các Chương trình MTQG.
Mặt khác, những tháng đầu năm 2019, do mưa lớn kéo dài nên việc tổ chức thi công thường xuyên bị gián đoạn, không triển khai thực hiện được. Một số dự án được đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất thì được giải ngân theo tiến độ nguồn thu; do đó, đến thời điểm hiện nay, chưa thu được hoặc vừa mới thu nên chưa phản ánh được thực nguồn, làm ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh. Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình mất nhiều thời gian nên việc giải ngân kế hoạch vốn trong năm đầu sẽ bị chậm tiến độ. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài phải thực hiện theo quy định của nhà tài trợ nên tỷ lệ giải ngân chậm.
Bên cạnh đó, hiện nay các chủ đầu tư đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo quy định nên chưa có khối lượng để thanh toán. Trung ương vừa mới bổ sung kế hoạch nguồn vốn nước ngoài 158,377 tỷ đồng trong tháng 7 vừa qua, do đó làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung Kế hoạch đầu tư công năm 2019. Một nguyên nhân nữa là theo quy định, kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12 năm sau, do đó một số chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục thanh toán, hoàn ứng...
Quang Định