07/11/2019 06:04
Kết quả đạt được
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố nền tảng quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần vào hoàn thành chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương cơ sở chủ động huy động các nguồn vốn tập trung đầu tư của Nhà nước và vốn trong nhân dân để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Trong 10 năm (2009-2019), toàn tỉnh huy động được hơn 2.634 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vùng nông thôn. Riêng trong giai đoạn (2016-2019), các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên đến 70% nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Để huy động nguồn lực trong dân, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường giao thông nông thôn. Thông qua đó, sức mạnh trong nhân dân được khai thác hiệu quả trong triển khai xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
|
Theo đó, trong 10 năm qua, toàn tỉnh huy động người dân hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để làm đường; đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động tham gia làm đường giao thông nông thôn. Từ các nguồn vốn huy động được, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trên 1.600 km đường giao thông nông thôn.
Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, đảm bảo giao thông thuận lợi cả 2 mùa. Qua đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 46/86 xã đạt chuẩn (chiếm 53,5% số xã toàn tỉnh) về tiêu chí giao thông, tăng 36 xã so với năm 2015 và tăng 45 xã so với năm 2010. Một số địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông cao là huyện Đăk Tô có 7/8 xã đạt chuẩn; Đăk Glei có 7/11 xã và Kon Plông có 8/9 xã đạt chuẩn.
Ở cả 3 địa phương nêu trên, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động người dân tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn rất tốt. Hàng năm, các địa phương này đều tổ chức và phát động phong trào ra quân làm đường giao thông nông thôn; đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn và người dân đóng góp kinh phí, vật tư, tham gia làm đường giao thông nông thôn. Do đó, hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa ở những địa phương này ngày càng chiếm tỷ lệ cao, góp phần thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàng hóa, nâng cao thu nhập của người dân.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông còn nhiều (có 40 xã), thậm chí có địa phương, đến nay chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí này.
Ngay như ở thành phố Kon Tum - một trong những địa bàn thuận lợi của tỉnh nhưng hiện nay vẫn còn đến 7 xã chưa đạt tiêu chí về giao thông (chiếm 63,6% số xã). Hoặc huyện Đăk Hà, đến nay, vẫn còn 5/10 xã chưa đạt chuẩn tiêu chí giao thông; huyện Sa Thầy còn 6 xã chưa đạt chuẩn. Riêng 2 huyện là Ia H’Drai (3/3 xã) và Tu Mơ Rông (11/11 xã) hiện chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí giao thông nông thôn mới...
|
Theo đánh giá của các địa phương, các nội dung chưa đạt chuẩn chủ yếu là tỷ lệ kilômét đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng chưa được cứng hóa theo quy định. Nguyên nhân do các xã có số kilômét đường giao thông lớn, suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm ở những địa phương này rất khó khăn. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông nông thôn chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước dọc, không có hệ thống cọc tiêu, biển báo...; hệ thống đường nội đồng ở nhiều nơi mới chủ yếu là đường đất nên chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, chưa đảm bảo tiêu chuẩn…
Ông Phạm Xuân Quang - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tu Mơ Rông cho biết, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới về tiêu chí giao thông trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, bởi đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn vốn trong nhân dân rất hạn chế. Trong 10 năm qua, nguồn vốn huy động đóng góp vốn từ người dân trên địa bàn chỉ được khoảng 60 triệu đồng; chủ yếu người dân đóng góp bằng ngày công lao động làm đường giao thông...
Cũng theo ông Quang, việc các xã ở Tu Mơ Rông chưa đạt tiêu chí số 2 bởi Tu Mơ Rông có địa hình đồi núi dốc, có hệ thống sông suối nhiều, ngăn cách, địa bàn xa nhau nên mức đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cao hơn các địa phương khác. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có hạn, nguồn vốn huy động từ người dân càng khó bởi đời sống người dân khó khăn; các doanh nghiệp trên địa bàn ít, còn nhỏ lẻ…
Trong thời gian tới, để thực hiện đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, trước tiên, các địa phương cần tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, huy động từ các doanh nghiệp ngoài địa bàn hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn…, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phúc Nguyên