18/07/2018 18:18
Hiệu quả và thực chất
Theo đánh giá của các chuyện gia, tỉnh Kon Tum và các tỉnh thuộc Lào và Campuchia nằm trong khu vực Tam giác phát triển CLV có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội.
Các tỉnh này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu nên có sẵn tiềm năng hợp tác. Vì thế, việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác chính là tạo ra cơ hội để mỗi bên khai thác tốt tiềm năng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước.
Là địa bàn thuộc vùng lõi Khu vực Tam giác phát triển - nơi có địa danh “Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia” biểu trưng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện của ba nước Đông Dương, tỉnh Kon Tum có đường biên giới trên bộ dài gần 300km, giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia; có 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu phụ và 1 lối mở thông thương.
|
Theo ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác, tạo hành lang pháp lý để quá trình hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV được thuận lợi, đi vào chiều sâu.
“Căn cứ vào quy hoạch tổng thể, các chủ trương, chính sách chung, tỉnh Kon Tum đã phát triển thành những kế hoạch, dự án cụ thể, thực chất, đem lại sự kết nối chặt chẽ” - ông Nguyễn Đình Bắc nhận định.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Bắc, với sự quyết tâm của các bên, hợp tác trong khu vực đang phát triển tốt đẹp, ngày càng hiệu quả và thực chất, tập trung vào các lĩnh vực an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường… Từ đó, đem lại sự phát triển không ngừng về hạ tầng kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh; đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo giảm; nông nghiệp tiếp tục phát triển, công nghiệp tăng trưởng ổn định; số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư ngày càng nhiều.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga cho biết, dù thuộc khu vực khó khăn nhất, nhưng đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, cấp điện. Các tuyến trục giao thông quan trọng trong khu vực đã được nâng cấp, mở rộng...
Thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Kon Tum đã ký kết 34 lượt thỏa thuận quốc tế dưới hình thức “Biên bản ghi nhớ ”; tổ chức thành công 3 hội nghị nhằm tăng cường hợp tác phát triển; hơn 7 năm qua có trên 2,5 triệu lượt người với 244.000 phương tiện xuất, nhập cảnh; kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đạt 1 tỷ 191 triệu USD.
Điều đáng mừng hơn cả là hoạt động đầu tư ngày càng sôi động. Đến nay, các doanh nghiệp của Kon Tum đã, đang và chuẩn bị đầu tư vào các tỉnh của Lào và Campuchia 6 dự án, với tổng vốn đăng ký là 1.882 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án phát triển cao su, 2 dự án khai thác khoáng sản.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện
Tại buổi giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV từ năm 2011 đến nay của tỉnh Kon Tum, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá, để hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác phù hợp với thực tế địa phương, tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu, tìm ra phương hướng và giải pháp thích hợp để thực hiện các chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực ngã ba biên giới của ba nước nói riêng và trong khu vực nói chung, trên cơ sở tận dụng tốt tiềm năng, cơ hội của mỗi nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga nhìn nhận, trong những năm qua, ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, cũng như những thách thức, khó khăn sẽ gặp phải, tỉnh Kon Tum và các tỉnh của 2 nước Lào và Campuchia đã cùng nhau thúc đẩy sự phát triển và hợp tác, tạo dựng cuộc sống ấm no, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, đoàn kết và phát triển cho nhân dân ba nước trong khu vực.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được trong khu vực còn rất khiêm tốn, chưa tạo được sức đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực. Các công trình hợp tác về phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm so với kế hoạch và quy hoạch đề ra; nguồn lực thực hiện các dự án từ mỗi địa phương còn rất hạn hẹp; hợp tác thương mại và đầu tư còn nhiều bất cập như: chính sách thuế, thủ tục đầu tư chưa nhất quán...
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện, chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư từ Trung ương chưa nhiều; còn thiếu cơ chế điều phối chung Campuchia - Lào - Việt Nam và chưa có sự phân công phối hợp giữa các địa phương nên hiệu quả chưa cao; do nguồn lực có hạn nên các tỉnh bạn tham gia cơ chế chung khá hạn chế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga cho hay.
Vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ xem xét ưu tiên nguồn lực và cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tại khu vực biên giới, trong đó chú trọng hạ tầng thương mại, đường giao thông; tiếp tục hiện thực hóa Quy hoạch tổng thể Khu vực Tam giác phát triển.
Về phía địa phương, cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa các bên trong khu vực, trong đó ưu tiên kết nối hạ tầng, tập trung vào nâng cấp các tuyến đường giao thông, hiện đại hóa, đảm bảo giao thông thông suốt bốn mùa, điện lực, thương mại, du lịch, đặc biệt là hạ tầng xã hội để nâng cao dân trí. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch...
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự kết nối đồng bộ và hợp tác toàn diện, trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, khu vực Tam giác phát triển của 3 nước, trong đó có tỉnh Kon Tum sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu trong thời gian tới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga nhấn mạnh.
Hồng Lam