22/09/2022 06:03
Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn, gần 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận liên tiếp xảy ra các trận động đất. Hầu hết các trận động đất đều dưới 4 độ richter, tương ứng với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 0; chỉ có 2 trận có cường độ lớn hơn xảy ra lúc 12 giờ 54 ngày 18/4/2022 có cường độ 4,5 độ richter và lúc 14 giờ 08 phút ngày 23/8/2022 có cường độ 4,7 độ richter, tương ứng cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Các trận động đất tuy chưa gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân sống trên địa bàn huyện Kon Plông. Vì vậy, để chủ động phòng tránh, ứng phó với các sự cố do động đất gây ra, huyện Kon Plông đã triển khai nhiều hoạt động, xây dựng phương án để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
|
Ông Phạm Thanh Bình- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông cho biết: Chính quyền và ngành chức năng huyện Kon Plông đã và đang phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý địa cầu nhằm nắm bắt, cập nhật thông tin tình hình động đất xảy ra trên địa bàn để đề ra các phương án ứng phó sát với thực tiễn. Nhằm ổn định tâm lý cho người dân và trang bị các kiến thức, kỹ năng ứng phó với động đất cho nhân dân, UBND huyện Kon Plông kịp thời chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn nhanh chóng xuống cơ sở nắm tình hình, tuyên truyền để người dân yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất và cung cấp thông tin về động đất, phát sổ tay theo dõi, hướng dẫn cách phòng tránh cho người dân khi sự cố động xảy ra. Các xã đã điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó với động đất vào phương án phòng, chống thiên tai năm 2022 phù hợp với từng địa bàn, sát với điều kiện từng vùng dân cư theo phương châm “4 tại chỗ”; củng cố các đội xung kích để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra thảm họa động đất.
Cùng với chính quyền địa phương, Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chuyên môn đã xây dựng xong kịch bản thực hành ứng phó với động đất. Theo kế hoạch, cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2022 sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành, diễn tập ứng phó với các tình huống cụ thể cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và đội xung kích ở cơ sở để khi xảy ra tình huống thực tế không bị động, lúng túng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
|
Các công ty thủy điện đứng chân trên địa bàn huyện Kon Plông cũng có những giải pháp cụ thể để ứng phó động đất nhằm bảo vệ an toàn cho các công trình, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là triển khai lắp đặt các trạm quan trắc động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhằm theo dõi, cung cấp dữ liệu chính xác về tình hình động đất tại huyện Kon Plông và các khu vực lân cận.
Ông Trần Công Đà - Giám đốc Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (chi nhánh Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) cho biết: Thời gian trước, đơn vị đã lắp 3 trạm đo địa chấn xung quanh vùng xảy ra động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum. Mới đây nhất, sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai với tỉnh Kon Tum và Quảng Nam triển khai các giải pháp ứng phó với động đất (ngày 24/8), chúng tôi tiếp tục phối hợp với Viện Vật lý địa cầu triển khai lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc động đất. Từ đầu tháng 9/2022, các trạm quan trắc đã được đưa vào vận hành, phục vụ cho công tác quan sát, nắm bắt về tình hình động đất của ngành chức năng.
Thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn huyện Kon Plông với công suất thiết kế 220 MW, dung tích hồ chứa là 145,52 triệu m3. Khi xây dựng, đơn vị đã tính toán, đảm bảo chịu được tác của động đất đến 6,8 độ richter. Tuy nhiên, trước tình hình động đất gia tăng, để bảo vệ sự an toàn của đập, xung quanh thân đập đã được công ty lắp đặt hệ thống camera giám sát, theo dõi mực nước trên hồ; đội ngũ nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi về quá trình tích nước lòng hồ, đánh giá mối liên quan giữa việc tích nước và diễn biến của các trận động để cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan chuyên môn; từ đó có phương án vận hành an toàn đập và bảo vệ vùng hạ du.
|
Theo yêu cầu, Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh cũng phải lắp đặt 2 trạm quan trắc để cung cấp số liệu, giúp đánh giá kịp thời, chuẩn xác phục vụ theo dõi diễn biến hoạt động của động đất.
Theo đại diện Công ty, hiện doanh nghiệp đang phối hợp với Viện Vật lý địa cầu xúc tiến các thủ tục mua sắm nhằm sớm triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành các trạm quan trắc. Đồng thời kiểm tra, kiểm định lại đập, chủ động gia cố đập; xây dựng phương án ứng phó với từng cấp độ của động đất, có tính toán đến cả tình huống vỡ đập.
Mặc dù động đất ở Kon Plông chưa nghiêm trọng, nhưng đây là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm, thường xảy ra bất ngờ, nên mọi sự chủ động của các cấp chính quyền và ngành chức năng là cần thiết, nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi sự cố xảy ra.
Thùy Hương