Thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững

15/10/2014 08:50

Sau 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2009), Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần quan trọng, là nguồn lực thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo của tỉnh. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đã giúp người dân các huyện nghèo có cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Người dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ảnh: V.P

 

Cải thiện hạ tầng cơ sở

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, tổng kinh phí thực hiện chương trình tại 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông gần 622 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí gần 386 tỷ đồng; ngân sách địa phương bố trí hơn 76 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hơn 15,5 tỷ đồng; doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể hỗ trợ hơn 8,4 tỷ đồng và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác đã và đang thực hiện hơn 135,5 tỷ đồng…

Từ các nguồn vốn trên, 2 huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ làm nhà, xoá nhà tạm cho người dân... Đối với huyện Tu Mơ Rông, từ nguồn vốn 30a và lồng ghép các nguồn vốn khác, huyện đã đầu tư xây dựng 124 công trình với tổng số tiền hơn 190,6 tỷ đồng, trong đó, xây dựng 61 công trình cấp huyện, 63 công trình cấp xã, gồm: 9 công trình thủy lợi, 53 công trình giao thông, 54 công trình cấp nước sinh hoạt… Ngoài ra, trong 2 năm (2012 và 2013), huyện đã bố trí nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng 33 công trình xuống cấp, hư hỏng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Huyện Kon Plông đã ưu tiên nguồn vốn Chương trình 30a  tập trung đầu tư xây dựng 41 công trình với tổng số tiền hơn 158 tỷ đồng và đến nay có 40 công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; trong đó, có 23 công trình giao thông, 10 công trình thủy lợi, 5 công trình điện, 2 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình máy phát hình. Ngoài ra, trong 2 năm (2012 - 2013), huyện Kon Plông cũng đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng đối với 14 công trình xuống cấp, hư hỏng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng…

Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn của 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông từng bước được cải thiện. Các công trình được đầu tư xây dựng khi đưa vào khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực, mang lại lợi ích cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương.  

 

Giúp dân thoát nghèo bền vững

Song song với việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ người dân sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, khai hoang phục hoá đất sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống để người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo... Cùng với đó, 2 huyện còn triển khai hiệu quả việc hỗ trợ một lần tiền mua giống, phân bón cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với việc hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng...

Hạ tầng vùng sâu huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: V.P

 

Từ năm 2009-2013, UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo Chi nhánh ngân hàng chính sách huyện phối hợp với các ngành, UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn phát triển kinh tế, tham gia xuất khẩu lao động, làm nhà theo Chương trình 167… Trong giai đoạn này, huyện Kon Plông đã có 1.910 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền hơn 12,3 tỷ đồng.

Đối với huyện Tu Mơ Rông, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tiến hành cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hộ nghèo để mua con giống, cây giống, mỗi hộ được vay vốn một lần với số tiền 5 triệu đồng, lãi suất 0% trong 2 năm với tổng số 1.946 hộ vay gần 10 tỷ đồng; cho vay đối với đối tượng đi xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ 163 người với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng... Nhờ đó, đã có hàng nghìn hộ gia đình xây dựng được nhà ở, từng bước xoá nhà tranh vách đất.

Người dân ở 2 huyện cũng đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây mới có giá trị kinh tế cao trồng thay thế các loại cây truyền thống năng suất thấp, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ giảm nghèo ở 2 huyện bình quân từ 8-10%/năm. Đến cuối năm 2013, huyện Tu Mơ Rông tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42,65%, huyện Kon Plông giảm còn  40,08%.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện tốt NQ30a của Chính phủ trên địa bàn 2 huyện Tu  Mơ Rông và Kon Plông trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng khó khăn, giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương này.

Phúc Nguyên

 

 

Chuyên mục khác