Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

22/11/2023 13:09

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường. Tư duy làm “nông nghiệp xanh” ngày càng lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh cao của sản phẩm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo và lâu dài, những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp “xanh” đã xuất hiện, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây sầu riêng của hộ gia đình ông Bùi Văn Quyển (ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) là một trong những điểm sáng về hiệu quả thiết thực từ đổi mới tư duy sản xuất. Với diện tích 24,97ha, ông Quyển áp dụng theo phương thức canh tác hữu cơ, an toàn, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học; dùng các loại phân hữu cơ từ phân bò trộn với vỏ cà phê và chế phẩm sinh học ủ cho hoai mục, đạm cá, phân hữu cơ của Bỉ, Hà Lan sản xuất  để bón cho cây. Từ đó, chất lượng sầu riêng ở vườn nhà ông Quyển luôn vượt trội, năm 2023, có 20,97ha đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng; nhiều doanh nghiệp đặt mua để xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ vậy, chỉ với 13ha sầu riêng cho thu hoạch, gia đình ông Quyển thu được 300 tấn quả, giá bán 74.000 đồng/kg, doanh thu đạt 22,2 tỷ đồng.

Sản phẩm trái cây của HTX nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim có chất lượng cao nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Ảnh: T.H

 

Hay như mô hình trồng cây ăn trái của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim. Với có 82ha đất canh tác, chủ yếu là trồng sầu riêng (67,6ha), cà phê, cao su, bơ, mít, ổi được các thành viên của Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn thực phẩm. Toàn bộ quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đều được gia đình ghi lại trong nhật ký nông vụ, đảm bảo tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, hợp tác xã có 2 vùng trồng sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số với diện tích trên 35ha, 5 sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo lồng ghép chương trình, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đạt chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ, Fairtrade Certificate. Đến nay; toàn tỉnh có 150ha cây trồng sản xuất đạt chuẩn Global GAP, 29,7ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 287,8ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 150ha đạt tiêu chuẩn UTZ và 168ha đạt tiêu chuẩn Fairtrade Certificate (thương mại công bằng).

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được một số vùng sản xuất theo hướng hữu cơ như vùng trồng lúa tại huyện Đăk Hà, Sa Thầy, thành phố Kon Tum; vùng trồng rau, củ tại huyện Kon Plông; vùng trồng cây ăn quả tại huyện Kon Plông, Đăk Hà, thành phố Kon Tum; vùng sản xuất cà phê tại huyện Đăk Hà, huyện Kon Plông.Toàn tỉnh có 21 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp, trong đó, có 18 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 325,39ha, 3 mã vùng trồng tiêu thụ nội địa với diện tích 36ha; 2 mã số cơ sở đóng gói chuối và chanh dây với diện tích gần 2.200ha vùng nguyên liệu.

Sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch về thông tin không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường trong nước mà còn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hơn thế nữa, việc sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh còn góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân trực tiếp canh tác và môi trường sinh thái.

Nhiều sản phẩm cây ăn trái được sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn thực phẩm. Ảnh: TH

 

Cùng với sản xuất an toàn, để tạo đà phát triển bền vững, bắt nhịp với xu thế nông nghiệp hiện đại, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong  sản xuất. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 14.500ha cà phê, 1.400ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân, sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; áp dụng công nghệ sinh học trong việc sử dụng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng vào quá trình canh tác. Có 900ha rau, củ, quả được ứng dụng công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, sản xuất trong nhà màng, nhà kính, tự động hoá trong trồng, chăm sóc, công nghệ thông minh IOT. Ngoài ra, ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh cũng có khoảng 2.384ha sản xuất theo hướng mô phỏng tự nhiên và 1.400ha đẳng sâm được sản xuất theo hướng an toàn.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại từng bước làm thay đổi tư duy canh tác của người dân, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Qua đó, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản và giá thành sản phẩm hàng hóa, giúp đời sống người dân và kiến tạo nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thùy Hương

Chuyên mục khác