Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị sâm dây bền vững

01/10/2019 13:09

Việc phát triển, liên kết chuỗi giá trị cây sâm dây bền vững là hướng đi triển vọng, cần được quan tâm hơn nữa, đề ra những giải pháp phát triển hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tác nhân gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm sâm dây và từ đó nhân rộng hơn nữa mô hình sản xuất để giúp người dân làm giàu từ sâm dây.

Tỉnh ta có nhiều loài dược liệu có giá trị, trong đó cây sâm dây (đảng sâm) là một trong những dược liệu đang được thị trường ưa chuộng, sử dụng. Thời gian qua, tỉnh ta tích cực tạo điều kiện, tổ chức thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất bền vững, tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm sâm dây nhằm mở rộng diện tích sản xuất và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu nói chung và đảng sâm nói riêng như: Đề án phát triển và chế biến dược liệu giai đoạn 2017 - 2020, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; kế hoạch liên kết, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh… Qua đó, thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này; người dân chú trọng khai thác, bảo tồn, phát triển, liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nâng cao giá trị của các loài dược liệu, trong đó có cây sâm dây.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sâm dây. Đó là mô hình liên kết của Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty cổ phẩn Nước giải khát sâm Ngọc Linh, Hợp tác xã Nông dược Măng Đen, Hợp tác xã Tuyết Sơn (Kon Plông), Hợp tác xã Dược liệu Ngọc Lây, Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Thanh Tâm huyện Tu Mơ Rông liên kết với các hộ dân, tổ hợp tác trồng sâm dây trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông trồng được hơn 200ha sâm dây. Các doanh nghiệp, đơn vị này cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân làm ra với giá cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước chú trọng đến khâu chế biến để tạo ra nhiều loại sản phẩm từ sâm dây, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị sản phẩm của loại dược liệu này. Một số sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu thương mại, được cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng mã số, mã vạch gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều sản phẩm chế biến từ sâm dây đã được đưa ra thị trường. Ảnh: TH 

Hiện nay, Công ty cổ phần Nước giải khát sâm Ngọc Linh đang xây dựng nhà máy chế biến nước giải khát và trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Nớ (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) với quy mô thiết kế khoảng 800 lon/giờ trong giai đoạn I và 400 thùng/ngày trong giai đoạn II. Công ty đã thực hiện đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đối với 2 sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh và nước sâm dây Ngọc Linh. Dự kiến cuối năm 2019, nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ bao tiêu một lượng lớn sản phẩm sâm dây trên địa bàn huyện Đăk Glei và các vùng lân cận. Đây chính là cơ hội để người dân khai thác lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu mở rộng diện tích, đẩy mạnh phát triển loại cây dược liệu này, từ đó góp phần nâng cao thu nhập.

Mới đây, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông và Dự án phát triển ươm và trồng các loại dược liệu của Hợp tác xã Dược liệu Ngọc Lây tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông). Theo thiết kế, các dự án này sẽ xây dựng vườn ươm giống và phát triển trồng cây dược liệu, trong đó có cây sâm dây.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển, khai thác và nâng cao giá trị của cây sâm dây chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện tại, quy mô diện tích sâm dây của tỉnh ta vẫn còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được các cánh đồng lớn nên khó thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Mặt khác, quá trình trồng sâm dây của người dân còn thiếu bài bản, chưa theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “thực hành trồng trọt và thu hái cây thuốc” - tiêu chuẩn GACP-WHO. Tình trạng buôn bán dược liệu giả, dược liệu trái phép vẫn đang diễn ra tràn lan việc liên kết của nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn lỏng lẻo; một số đơn vị chưa thực sự chủ động mà vẫn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Việc phát triển, liên kết chuỗi giá trị cây sâm dây bền vững đang từng bước góp phần mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân vùng dược liệu. Đây là hướng đi triển vọng cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm hơn nữa, đề ra những giải pháp phát triển hữu hiệu nhằm ngăn chặn những tác nhân gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm sâm dây và từ đó nhân rộng hơn nữa mô hình sản xuất để giúp người dân làm giàu từ sâm dây.         

Thiên Hương

Chuyên mục khác