Thúc đẩy hợp tác xã chuyển đổi số

29/12/2022 17:00

Xác định chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể có ý nghĩa hết sức quan trọng, thời gian qua, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và có những hoạt động hỗ trợ nhằm giúp các HTX  tích cực chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới.

Để các HTX tích cực chuyển đổi số trong hoạt động, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung tuyên truyền về Kế hoạch số 1250/KH-UBND ngày 6/5/2022 về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 1320/KH-UBND ngày 6/5/2022 phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 1011/QĐ-BCĐCĐS ngày 12/4/2022 của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Ban hành Chương trình hoạt động Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Kon Tum năm 2022  đến tất cả các ban giám đốc, thành viên các HTX, liên hiệp HTX. Cùng với đó, trong các hội nghị, trong các lần trực tiếp làm việc với các HTX, Liên minh HTX tỉnh lồng ghép tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và vận động các HTX, tích cực ứng dụng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng trang website Thương mại điện tử cho 4 HTX (HTX rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, HTX nông nghiệp Tuyết Sơn (Kon Plông); HTX SX- TM Sáu Nhung, HTX Kiểu mới sản xuất nông nghiệp & DVTM Hải Tình (Đăk Hà) với tổng kinh phí 59,3 triệu đồng từ nguồn ngân sách thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử (ngân sách trung ương 45 triệu, ngân sách địa phương 14,3 triệu đồng).

Liên minh HTX tỉnh cũng tiến hành khảo sát về nhu cầu chuyển đổi số đối với các để có hướng hỗ trợ kịp thời.

HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên áp dụng máy sấy khô sâm dây trong quá trình sản xuất. Ảnh: VP

 

Với sự tuyên truyền, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh cùng với sự nỗ lực của các HTX, trong chuyển đổi số, tính đến 6/2022, trên địa bàn tỉnh có trên 95% HTX, liên hiệp HTX đã trang bị máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng và được kết nối mạng (internet). “Đặc biệt, có khoảng 10% HTX, liên hiệp HTX đã áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh như: áp dụng công nghệ cao vào hệ thống tưới tự động, phun thuốc bằng máy bay điều khiển từ xa, hệ thống chăn nuôi khép kín, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, kết nối giữa HTX, liên hiệp HTX với khách hành, điều hành công việc của cán bộ lãnh đạo quản lý, trao đổi công việc với các thành viên. Thực tế từ các HTX này cho thấy chi phí vận hành giảm, việc tiếp cận khách hàng nhanh hơn, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng rõ rệt”- ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.

Bên cạnh đó, các HTX, liên hiệp HTX đều sử dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán hàng chủ yếu bằng facebook, zalo, số ít có sử dụng website; tạo lập các mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng phần mềm; đẩy mạnh thanh toán qua các nền tảng trực tuyến. Các qũy tín dụng nhân dân, ban kiểm soát, kế toán HTX và số cán bộ lãnh đạo quản lý của HTX có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên đã sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ, tải và cài đặt các ứng dụng từ hệ thống phần mềm và sử dụng mạng xã hội phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh.

Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh đã quan tâm ứng dụng số vào sản xuất kinh doanh đều phát huy được hiệu quả, giảm số lượng nhân công, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn như HTX rau hoa và Du lịch Măng Đen, HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Cô; HTX nuôi trồng Nấm Đông trùng hạ thảo Kon Tum…

Công nhân HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen thường xuyên dùng điện thoại kiểm tra, xử lý và thực hiện theo hướng dẫn của người quản lý tirong chăm sóc vườn cây. Ảnh: VP

 

Theo chị Trần Ngọc Diệp- Giám đốc HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen, việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp, lấy niềm tin từ người tiêu dùng, mà còn đem lại nhiều lời ích khác như giảm thiểu công sức lao động, tăng cường năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, HTX đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 20% các sản phẩm khác. Bởi các sản phẩm rau cuả HTX luôn có đây đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, tạo sự an tâm cho người dùng và các hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM. Sản lượng của HTX đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với trước.

“Nhờ việc ứng dụng số đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều trong công tác quản lý, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đặc biệt là tăng uy tín với khách hàng. Ứng dụng số cũng giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, thời gian, nhân lực. Ngoài ra, ứng dụng số còn tạo tính minh bạch, niềm tin cho khách hàng và khách hàng có thể biết được quy trình từ sản xuất đến chế biến…”- bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Cô cho hay.

HTX Nông nghiệp Công bằng Pô cô nhờ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nên khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc trồng. Ảnh: VP

 

Chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta các HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý HTX, liên hiệp HTX ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Như qua khảo sát của Liên minh HTX thì có 60% HTX mong muốn được áp dụng công nghệ cao vào trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh, còn 40% vẫn duy trì sản xuất theo truyền thống và có doanh nghiệp bao tiêu sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của sự phát triển, kinh tế tập thể cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, để nâng cao năng lực chuyển đổi số của các HTX, trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo, hội thảo chuyên đề nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, tập trung vào kỹ năng tiếp thị; tổ chức cho lãnh đạo quản lý HTX tham quan các HTX đã sử dụng công nghệ số, từ đó học hỏi, triển khai rộng trên toàn tỉnh.  Liên minh HTX tỉnh cũng rất mong các ngành chức năng hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các HTX, thông qua việc xây dựng các gói hỗ trợ bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Qua đó, sẽ góp phần tích cực vào chuyển đổi số cho các HTX, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể hiệu quả hơn.

Văn Phương

Chuyên mục khác