Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

10/12/2020 13:07

Thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 được Trung ương giao cho tỉnh Kon Tum 2.107,463 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước 1.602,263 tỷ đồng và vốn nước ngoài 505,200 tỷ đồng. Trên cơ sở mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 được giao, tình hình huy động vốn của địa phương, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ cho các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư với tổng vốn 3.031,774 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng số vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương giao địa phương là 148,192 tỷ đồng; trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 88,3 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 59,892 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Để giám sát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành đợt khảo sát về vấn đề này. Kết quả cho thấy, tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 1.533,984 tỷ đồng (gồm vốn kế hoạch năm 2020 là 1.084,230 tỷ đồng; vốn kế hoạch 2019 kéo dài là 449,754 tỷ đồng), đạt 40,3% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương đạt 26,4%; vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương thuộc tỉnh quản lý đạt 53,7%. Tổng số vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 40,926 tỷ đồng, đạt 27,6% kế hoạch.

Nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: C.C 

 

Tính đến ngày 20/9/2020, UBND tỉnh đã cấp phép cho 29 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6.726,500 tỷ đồng, tăng gần 200% tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký khoảng 3.982 tỷ đồng; 4 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp kết hợp công nghiệp (lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái) với tổng vốn đầu tư 83,8 tỷ đồng; 15 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng với tổng vốn đăng ký khoảng 2.660,7 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư năm 2020; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện; rà soát, quyết định hoặc trình cấp thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công của các dự án, công trình đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kịp thời đề nghị HĐND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu phát sinh trong năm, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Các huyện, thành phố đẩy mạnh phân cấp vốn đầu tư công cho cấp xã, đặc biệt là vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tạo điều kiện cho cấp xã chủ động bố trí, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công phù hợp với điều kiện thực tế và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Trình tự, thủ tục đầu tư và bố trí vốn kế hoạch đầu tư công cơ bản đảm bảo các quy định các điều kiện, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo ông Hồ Văn Đà- Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, qua khảo sát cho thấy, vẫn còn một số hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công. Đó là tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm, tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu theo Chỉ thị số 07/CT-UBND của UBND tỉnh; một số dự án đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, các nguồn thu để lại… giải ngân theo tiến độ thu, chưa phát sinh hoặc chưa xác định nguồn thu; một số nguồn vốn thuộc ngân sách Trung ương như nguồn hỗ trợ đồng bào miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg và Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (126,6 tỷ đồng), nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (266,4 tỷ đồng), nguồn vốn trái phiếu chính phủ (192 tỷ đồng) chưa giải ngân. Việc cho ứng vốn để thực hiện các dự án đầu tư khi chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư công hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt là chưa phù hợp với quy định, đặc biệt là đối với các dự án khởi công mới. Số vốn tạm ứng và thu hồi tạm ứng kéo dài qua các năm chưa được xử lý dứt điểm. Công tác lựa chọn, xác định danh mục, sản phẩm hỗ trợ, thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt; thông báo mời thầu, tư vấn lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, mất nhiều thời gian.

Tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh về các chuyên đề giám sát, khảo sát vào ngày 26/11, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung công việc như: Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án; công tác lập, xác định giá đất cụ thể.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành chức năng tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện đúng quy định về việc tạm ứng trước kế hoạch vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; đồng thời xử lý dứt điểm việc thu hồi vốn tạm ứng kéo dài qua các năm. Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục thanh toán và giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cần chủ động bám sát hướng dẫn, thông báo về mức vốn bố trí dự kiến của Trung ương để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021 đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định; tiếp tục chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; lấy kết quả giải ngân kế hoạch là căn cứ để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua các cuộc họp bàn về vấn đề này.    

Cao Cường

Chuyên mục khác