Thu nhập cao từ trồng cây ăn trái

13/09/2023 06:26

Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đã mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Gia đình bà Trần Thị Mai (thôn Plei Bur, xã Ia Chim) có 10ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, gia đình bà Mai đầu tư trồng cao su trên toàn bộ diện tích đất này, nhưng 7-8 năm trở lại đây đã chuyển sang trồng cây ăn trái. Hiện nay, gia đình bà Mai có 5ha sầu riêng, 5ha trồng bơ xen canh ổi.

Gia đình bà Mai đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ tiên tiến với cách làm này vừa tiết kiệm nước, vừa ít tốn công. Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình chăm sóc vườn cây được áp dụng phương pháp an toàn nên vườn cây phát triển tốt, cho năng suất khá cao, chất lượng sản phẩm đồng đều, ít sâu bệnh. Quy trình chăm sóc được ghi chép tỉ mỉ vào sổ nhật ký để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu của mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu.

Năm 2022, vườn sầu riêng của gia đình bà Mai bắt đầu cho thu bói được khoảng 10 tấn trái; năm 2023 đạt 30 tấn với giá bán bình quân là 60.000 đồng/kg. Vườn bơ cho sản lượng trên 40 tấn; hơn nữa, do được tính toán để cho ra trái muộn nên giá bán từ 15.000-20.000 đồng/kg, cao hơn giá bơ bán vào chính vụ. Ngoài ra, mỗi năm diện tích trồng ổi xen canh cũng cho thu hoạch từ 2-3 tấn trái. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình bà Mai có thể thu lời khoảng 1,5 tỷ đồng/năm từ việc đầu tư trồng cây ăn trái và tạo điều kiện cho 5 lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa thăm vườn cây ăn trái của hộ ông Bùi Trung Sơn. Ảnh: TH

 

Cũng lựa chọn cây ăn trái làm hướng phát triển kinh tế, ông Bùi Trung Sơn (thôn Tân An, xã Ia Chim) đã đầu tư trồng sầu riêng, quýt, bơ, chôm chôm trên 4ha đất của gia đình.

Ông Bùi Trung Sơn cho biết: Cây sầu riêng được gia đình tôi xác định chọn làm loại cây trồng chủ lực. Nhưng do thời gian đầu tư loại cây trồng này khá dài, vì vậy để có nguồn thu nhập trang trải cho sinh hoạt của gia đình và tái đầu tư cho vườn cây ăn trái, nên gia đình tôi phải trồng nhiều loại cây khác nhau, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”; sau này chúng tôi sẽ giảm dần diện tích các loại cây khác. Hiện tại, vườn cây nhà tôi có khoảng 2ha sầu riêng trồng tập trung, còn lại 2ha trồng xen canh ổi, quýt, chôm chôm, nhãn toàn bộ được trồng theo hướng sản xuất hữu cơ nên sản phẩm làm ra đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua đến đó với giá cả cao, ổn định.

Mùa nào thức nấy, các loại cây ăn trái trong vườn nhà ông Bùi Trung Sơn đều cho rất nhiều trái; doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí sản xuất ông Sơn có lãi từ 700 - 800 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm vườn thuần túy, gia đình bà Trần Thị Mai và gia đình ông Bùi Trung Sơn còn xây dựng vườn cây quy mô, bài bản và bước đầu triển khai các dịch vụ đón khách du lịch tham quan thưởng thức các sản phẩm trái cây và trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các vườn cây.

Những vườn cây ăn trái quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều ở Ia Chim. Ảnh: TH

 

Ông Nguyễn Quốc Hưng- Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: Thời gian qua, người dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cao su hết chu kỳ khai thác, cà phê già cỗi sang trồng các loại cây trồng phù hợp như sầu riêng, bơ, mít Thái, quýt. Đặc biệt, nhiều hộ đã chú trọng đầu tư, xây dựng những vườn cây ăn trái quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để phục vụ xuất khẩu mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ sản xuất đơn lẻ, các gia đình còn chủ động liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh hình thành các hợp tác xã nhằm hỗ trợ nhau về giống cây, vật tư, kỹ thuật canh tác, tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập.

Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim (được thành lập tháng 8/2020) ban đầu chỉ với 9 thành viên, nhưng đến nay đã thu hút 41 thành viên. Tổng diện tích đất canh tác của hợp tác xã là 82ha; trong đó, diện tích sầu riêng là 67,6ha, còn lại là cà phê, cao su, bơ, mít, ổi. Hiện tại, hợp tác xã có 2 vùng trồng sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số với diện tích trên 35ha; có 5 sản phẩm trái cây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, doanh thu năm của hợp tác xã đạt khoảng 21 tỷ, dự kiến doanh thu trong năm 2023 đạt khoảng 27 tỷ đồng. Hợp tác xã đã tạo việc làm cho khoảng 150 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, việc các hộ dân trên địa bàn xã Ia Chim đẩy mạnh cây ăn trái theo hướng hàng hóa là hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, mở ra hướng làm giàu cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thiên Hương

Chuyên mục khác