07/03/2017 08:27
Vào vùng đất được huyện quy hoạch cho các hộ phát triển rau hoa, củ quả có nguồn gốc xứ lạnh ở thôn Măng Đen, xã Măng Cành (huyện Kon Plông), tôi gặp những vườn khoai tây, bắp sú, su hào xanh tốt.
Tháng Ba, 9h sáng nhưng khí trời ở đây vẫn rét buốt. Nhiều người trong đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông tỉnh phải xuýt xoa vì lạnh. Nhưng bù lại, ai nấy cũng vui khi thấy những vườn khoai tây xanh tốt, đào lên khá nhiều củ.
Đưa khách đến thăm vườn khoai tây, chị Đinh Thị Liệu nhiệt tình cho biết, vườn khoai tây 1 sào gia đình chị trồng được 2 tháng. Đây là vườn khoai tây mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật. Làm theo yêu cầu kỹ thuật do cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện hướng dẫn, khoai tây phát triển tốt. Tuy chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng khi đào lên ở gốc khoai tây có khá nhiều củ to màu trắng như ở ngoài chợ.
|
Bằng kinh nghiệm và từ thực tế sản xuất, chị Liệu dự kiến vườn khoai tây gia đình mình năng suất đạt khoảng 2 tấn/sào (20 tấn/ha). Với giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg như hiện nay, dự kiến vườn khoai tây 1 sào của gia đình chị thu 30 triệu đồng, trừ chi phí gần 10 triệu đồng, còn lãi ròng hơn 20 triệu đồng/sào.
“Trồng khoai tây dễ, ít sâu bệnh. Bạn hàng ở thành phố Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề thu mua sản phẩm, không phải lo đầu ra” - chị Liệu chia sẻ.
Vườn khoai tây thứ hai ở đây tôi tìm hiểu nữa là của anh Nguyễn Hoàng Khương. Vườn khoai tây này cũng 1 sào, nhìn tuy không đẹp bằng vườn khoai tây của chị Liệu, nhưng củ không kém, có khi còn to hơn. Điều thú vị là khoai tây của anh Khương trồng giống củ màu đỏ, khá bắt mắt.
Anh Khương cho biết, kỹ thuật trồng khoai tây củ màu đỏ không khó và cũng giống như trồng khoai tây củ màu trắng.
“Trước khi trồng mình phải xới xáo đất thật kỹ càng, bón vôi nhiều để sát khuẩn, đất khỏi chua. Khi trồng, bón nhiều phân chuồng hoai mục để đất tơi xốp. Nói chung, trồng theo yêu cầu kỹ thuật của khuyến nông kết hợp với kinh nghiệm thực tế từ gia đình thì khoai tây mới sinh trưởng tốt và cho năng suất cao” - anh Khương chia sẻ kinh nghiệm.
|
Kinh nghiệm mà anh Khương nói thêm ở đây là trồng khoai tây đúng thời vụ để cây ít bị bệnh, tưới ít nước và sinh trưởng tốt. Ở Măng Đen, theo anh Khương trồng khoai tây vào khoảng tháng 11-12 là tốt nhất.
Qua kiểm tra moi củ ở gốc, anh Khương dự kiến thu khoảng 2,5 tấn. Với giá 15.000 đồng/kg, anh dự kiến 1 sào khoai tây này thu 37 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 25 triệu đồng.
Theo bà Phạm Thị Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để khoai tây cho năng suất cao, đòi hỏi các hộ phải làm theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Thực tế sản xuất cũng cho thấy, khoai tây hay mắc bệnh nấm làm rũ lá, vàng lá, chết héo xanh do lượng mưa ở đây nhiều, độ ẩm cao nên cây dễ bị bệnh thối rễ. Để phòng ngừa, cần xử lý đất trộn vôi, Trichoderma. Khi bị bệnh cần phun ngay thuốc Tilt Super để tạo sự thoáng cho đất, giúp khoai phát triển.
Mô hình khoai tây được đánh giá khá thành công, trừ hết chi phí, các hộ lãi khoảng 22 triệu đồng/sào. Từ kết quả sản xuất, bà Hòa đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho nông dân nhân rộng mô hình khuyến nông cây khoai tây ở huyện Kon Plông trên diện rộng và ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đào Nguyên