13/02/2021 06:30
Nỗ lực thu hút đầu tư
Anh Nguyễn Quang Hùng (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Năm 2018, chúng tôi đến huyện Kon Plông tìm hiểu về tiềm năng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sau thời gian nghiên cứu, chúng tôi đặt vấn đề cấp giấy phép đầu tư và đã được các sở, ngành hữu quan của địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hoàn tất các thủ tục. Rất nhanh chóng, chưa tới 24 ngày, nông trường Vin Eco Măng Đen (thuộc Tập đoàn Vingroup) của chúng tôi đã được cấp phép cho đầu tư dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 500 ha tại Măng Đen.
Năm 2019, anh Hồ Việt - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bazana cũng đã được UBND tỉnh, huyện Đăk Hà và sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi hoàn tất thủ tục, cấp giấy phép đầu tư trong 15 ngày dành cho dự án “Du lịch cộng đồng sinh thái” tại thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà). Tiếp đó, UBND huyện Đăk Hà còn hỗ trợ xây dựng 1,5km giao thông và kéo đường dây điện, hệ thống nước tưới dẫn vào tận khu du lịch.
|
Giai đoạn 2015-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Tỉnh ủy triển khai hơn 30 chương trình, nghị quyết, kế hoạch, kết luận về quảng bá, xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đến tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút 192 dự án với tổng vốn đầu tư đã và đang thực hiện hơn 29 ngàn tỷ đồng; trong đó có một số nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm đã và đang triển khai các dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như FLC, Vingroup, TH True Milk... Toàn tỉnh hiện có 3.123 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 35.259 tỷ đồng, tăng 916 doanh nghiệp so với năm 2015.
Đặc biệt, trong hoạt động thu hút đầu tư, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị trực thuộc gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIII về đầu tư phát triển các vùng kinh tế động lực trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với thu hút đầu tư nâng cấp, chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị, tỉnh, thành phố Kon Tum đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại kết hợp nhà ở thương mại Vincom với tổng mức đầu tư gần 299 tỷ đồng; hiện đang triển khai dự án tổ hợp khách sạn trung tâm thương mại, dịch vụ FLC Kon Tum với tổng vốn đầu tư 1.332 tỷ đồng, khu đô thị Bắc Duy Tân, khu chung cư Hoàng Thành… Khu công nghiệp Hòa Bình cũng đã ưu đãi, thu hút nhà đầu tư thuê đất công nghiệp, dịch vụ, hiện đã lấp kín gần 96% tổng diện tích.
Vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã thu hút được 102 dự án, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, năng lượng, với tổng vốn đầu tư trên 22 ngàn tỷ đồng.
Việc thu hút đầu tư đối với vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và xây dựng hạ tầng thị trấn Plei Kần cũng được triển khai tích cực. Theo đó, thị trấn Plei Kần được đầu tư đạt tiêu chí đô thị loại IV; hạ tầng trung tâm Ngọc Hồi, các xã được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ. Nhờ đó, huyện Ngọc Hồi và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã liên thông, liên kết thúc đẩy hoạt động giao thương ở vùng tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia. Đến nay, nơi đây đã đón các nhà đầu tư đăng ký 65 dự án với tổng số vốn 2.711 tỷ đồng.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Trên nền tảng những kết quả khả quan đã đạt được trong thu hút đầu tư nhiệm kỳ qua, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường.
Tại Chương trình 03-CTr/TU ngày 12/11/2020 về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, đột phá nhằm thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, góp phần cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững, như: chủ động, đổi mới tham mưu, hoạt động xúc tiến đầu tư; thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Đồng thời, toàn tỉnh ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế động lực, kinh tế mũi nhọn của tỉnh; tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính…
|
Để thực hiện đạt kết quả cao nhất những nhiệm vụ chính trị trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy đảng sớm ban hành các chương trình, xây dựng các kế hoạch hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, trong đó cập nhật diện tích quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ban, ngành trong tỉnh tập trung nghiên cứu, chủ động tham mưu tốt hơn nữa về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao rõ rệt chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chủ động, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; rà soát, chuẩn bị quỹ đất với quy mô phù hợp tại các huyện, thành phố để thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường...
Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú. Riêng huyện Kon Plông tăng cường quảng bá, xây dựng khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế. Các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông, Ngọc Hồi, Sa Thầy hình thành các tour du lịch cộng đồng gắn với du lịch chinh phục đỉnh Ngọc Linh, Cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.
Đối với các vùng kinh tế động lực, kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các sở, ngành và địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lưu ý tổ chức tốt việc huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; tập trung nguồn lực đầu tư, cũng như huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới. Toàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch để thu hút các dự án phát triển đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với sự quyết tâm cao độ của Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, môi trường đầu tư của tỉnh sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, để tỉnh nhà trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, thu hút nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Trần Hà