Thu hồi 580.238,7m2 đất cho CTCP Tập đoàn Tân Mai thuê để thực hiện Dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai- Kon Tum

06/01/2025 06:05

Ngày 5/1, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 07/TB-UBND về thu hồi diện tích đất đã được UBND tỉnh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai thuê để thực hiện Dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum do vi phạm pháp luật đất đai.
Một hạng mục thi công dở ở dự án nhà máy sản xuất bột giấy Tân Mai - Kon Tum. Ảnh: TH

 

Theo đó, thu hồi 580.238,7m2 đất đã được UBND tỉnh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai thuê để thực hiện Dự án nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum (đất được giao và cho thuê tại Quyết định số 1595/QĐ-UBND ngày 14/12/2009 của UBND tỉnh đã trừ phần diện tích đất đã thu hồi tại Quyết định số 260/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh) và giao cho Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lý do thu hồi đất: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai vi phạm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại khoản 8 Điều 81 Luật Đất đai năm 2024 nhưng không đủ điều kiện để gia hạn tiến độ sử dụng đất (dự án đầu tư đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần Tân Mai Tây Nguyên và Công ty này chưa đủ điều kiện lập thủ tục đất đai theo dự án đầu tư đã được chấp thuận).

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định thu hồi đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi Thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai để xử lý dứt điểm các nội dung có liên quan. Kết thúc thời hạn thông báo thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích đất trên theo quy định.

Năm 2009, dự án nhà máy sản xuất bột giấy quy mô lớn nhóm A với vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, công suất giai đoạn đầu 130.000 tấn/năm được cấp phép xây dựng trên diện tích 157ha tại huyện Đăk Tô.

Đây là dự án được chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng đem lại động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Thế nhưng không như kỳ vọng ban đầu, đến nay, sau hai lần khởi công, địa điểm xây dựng nhà máy vẫn là khu đất để hoang với nhà xưởng xây dựng dở dang, đống dây chuyền máy móc thiết bị đã qua sử dụng mua từ nước ngoài ngày càng xuống cấp.

Các mục tiêu xã hội khi dự án đi vào sản xuất, như giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; từ năm 2012 đến năm 2020 mỗi năm trồng mới trên 4.700ha rừng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng nguyên liệu; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương đều phá sản.

Thành Hưng

Chuyên mục khác