Thu đúng, chi đủ tiền dịch vụ môi trường rừng

11/11/2022 06:03

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, thông qua sự phối hợp từ chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan và người dân trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, việc thu và chi tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) luôn kịp thời, đúng quy định.
Cộng đồng thôn Kon Pao Kơ La (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) tuần tra rừng cùng cán bộ kiểm lâm. Ảnh: ĐT

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 76 cơ sở được hưởng lợi trực tiếp từ DVMTR, phải trả tiền DVMTR theo quy định. Trong đó, 17 cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh và 59 cơ sở DVMTR có lưu vực nội tỉnh.

Trong các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh có 29 nhà máy thủy điện, 13 nhà máy sản xuất và cung ứng nước sạch, cùng 17 nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước. Các cơ sở chi trả dịch vụ bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối và chi trả dịch vụ điều tiết, duy trì nguồn nước.

Theo kế hoạch thu và chi tiền DVMTR được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh triển khai thu 318,7 tỷ đồng và chi trả 318,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, 10 tháng đầu năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được tổng số tiền hơn 335 tỷ đồng, gồm 218 tỷ đồng do Trung ương điều phối (thu từ các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh), 116,8 tỷ đồng thu nội tỉnh và hơn 117 triệu đồng thu lãi tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, triển khai chi trả hơn 321,8 tỷ đồng (gồm chi trả cho các chủ rừng hơn 313,7 tỷ đồng và chi trả cho hoạt động quản lý Quỹ khoảng 8,1 tỷ đồng);  trong đó, chi trả 110,7 tỷ đồng cho 31 chủ rừng là tổ chức, 11,6 tỷ đồng cho 76 UBND xã, thị trấn, chi trả 39,2 tỷ đồng cho 3.335 hộ gia đình, cá nhân và 62 cộng đồng và hơn 152,4 tỷ đồng chi tạm ứng năm 2022 cho các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn.

Để có kết quả này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thường xuyên gửi công văn đề nghị các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện các nghĩa vụ kê khai và nộp tiền DVMTR đầy đủ, đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối tiền DVMTR của năm; phối hợp tổ chức chi trả tiền DVMTR đúng thời hạn cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, UBND các xã, thị trấn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và tổ chức khác; triển khai hiệu quả phương thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng.

Hộ dân được Nhà nước giao rừng tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: ĐT

 

Ông Hồ Thanh Hoàng- Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, để tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận với nguồn tiền DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, các đơn vị chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn có khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ các hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền DVMTR. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với Ngân hàng chi trả lưu động tại trụ sở UBND xã, thị trấn cho người dân. Khi chi trả lưu động đều có sự chứng kiến, giám sát của đại diện chính quyền địa phương, thôn (làng) và lực lượng kiểm lâm địa bàn. Đối tượng được niêm yết danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà rông hoặc nhà văn hóa, được thông tin về biến động số dư trong tài khoản.

 “Việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm được số lượng cán bộ trực tiếp tham gia chi trả. Từ đó giúp chủ rừng, người dân thuận lợi hơn khi nhận tiền, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và các chi phí khác của các bên liên quan, giảm thiểu sử dụng tiền mặt và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay”- ông Hoàng chia sẻ.

Cũng theo ông Hoàng, việc thực hiện kịp thời, đúng quy định công tác thu và chi tiền DVMTR đóng vai trò quan trọng trong triển khai chính sách chi trả DVMTR tại địa phương. Điều đó không chỉ nâng cao sự đồng tình ủng hộ của các đơn vị, địa phương và tổ chức mà còn thúc đẩy tinh thần tham gia bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng dân cư các thôn, làng, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững trên cả 3 lĩnh vực, kinh tế-xã hội- môi trường. Từ nguồn tiền DVMTR được chi trả, đời sống của các hộ dân được cải thiện, cộng đồng các thôn, làng có khoản tiền để chi cho hoạt động bảo vệ rừng, công việc chung của thôn và cho các hộ dân vay vốn phát triển sinh kế. 

Trong những tháng còn lại của năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR kê khai và nộp tiền DVMTR theo đúng quy định. Tổ chức tạm ứng tiền DVMTR cho các chủ rừng là tổ chức và UBND các xã, thị trấn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn nữa chính sách chi trả DMVTR.       

Đức Thành

Chuyên mục khác