02/12/2023 06:23
Từ chỗ xa lạ, tới nay thanh toán không dùng tiền mặt đang dần hình thành thói quen với người tiêu dùng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ trong chi trả các phí dịch vụ như tiền điện, nước, internet, thanh toán học phí, viện phí mà cũng đang ngày càng phổ biến trong tiêu dùng hàng ngày.
Bắt nhịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, các trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, các cơ sở phân phối, bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận tiện trong mua bán hàng hóa.
Chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng nhanh chóng như hiện nay. Không chỉ tại siêu thị, nhà hàng, mà đến nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ đều áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR hoặc qua các ví điện tử như Viettel money, Mobile money.
|
|
Chị Thiên Thanh- chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Khánh Dư (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cho biết: Trước đây, hầu hết khách hàng mua sắm đều trả tiền mặt, nhưng vài năm trở lại đây thì nhiều người chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi mua hàng, khách hàng có thể chọn quẹt thẻ ATM hoặc quét mã QR để chuyển khoản số tiền cần trả là xong, rất đơn giản, tiện lợi
Chị Đặng Thị Hiền (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Bây giờ đi đâu chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có kết nối mạng và cài đặt chuyển tiền điện tử là có thể mua sắm thoải mái. Việc người buôn bán áp dụng các thanh toán qua ngân hàng điện tử, tôi thấy rất tiện lợi, vừa nhanh chóng, lại đảm bảo an toàn, chính xác.
Nhiều tiểu thương kinh doanh ngoài chợ truyền thống cũng “nhập cuộc” công nghệ, sử dụng thanh toán không tiền mặt để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Tiện ích này phần nào giúp người dân thoải mái hơn khi đi chợ mua sắm, vì không phải lo “quên” mang theo tiền mặt mỗi khi ra chợ.
Theo chị Đặng Thị Hiền, trước đây, mỗi lần đi chợ nếu quên tiền mặt là một lần chị phải quay về lấy tiền, hoặc phải ra cây ATM rút tiền, vì phải sử dụng tiền mặt để thanh toán cho tiểu thương ở chợ, rất bất tiện.
“Có lẽ cũng vì lý do giao dịch mua bán ở chợ sử dụng tiền mặt trong thanh toán, mà tôi cũng như một số người tiêu dùng ngần ngại đi chợ. Chưa nói, việc mang theo nhiều tiền đi chợ không cẩn thận có thể bị rơi mất, đôi khi có thể bị trả nhầm dẫn đến tranh cãi giữa người mua và người bán. Hiện nay, nhiều chủ sạp hàng tại các chợ, từ hàng bán quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thực phẩm có tài khoản ngân hàng giúp quá trình thanh toán thuận tiện hơn rất nhiều”- chị Hiền bộc bạch.
Ngay cả việc mua hàng online, khi thanh toán đa số người mua cũng sử dụng phương thức quét mã QR hoặc chuyển khoản trực tiếp cho nhân viên giao hàng.
Chị Nguyễn Thị Minh ở đường Nguyễn Sinh Sắc (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho rằng: Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt an toàn hơn cách thanh toán truyền thống (phương thức thanh toán bằng tiền mặt), vì tôi không phải mở ví để lấy tiền, tránh trường hợp vô tình làm rơi tiền, hoặc tệ hơn có thể bị kẻ xấu cướp giật. Hơn nữa, với ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại còn giúp tôi quản lý được chi tiêu khi có thể dễ dàng xem lại lịch sử giao dịch.
Có thể thấy, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm ưu thế nhờ những ưu điểm vượt trội, như tính tiện lợi, độ chính xác cao, nhanh chóng, an toàn, hạn chế rủi ro. Chính vì vậy, hình thức thanh toán này đang nhanh chóng “phủ sóng” trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng hằng ngày của người dân.
Những chuyển biến trong thanh toán số là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân. Đồng thời, tăng số lượng điểm nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên 1.200 điểm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh điện tử đạt tối thiểu 40%.
Việc người dân đang dần thay đổi thói quen, từ việc sử dụng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng đã góp phần tích cực vào mục tiêu xây dựng, phát triển xã hội số và kinh tế số của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
THÙY HƯƠNG