Thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách

13/09/2020 06:02

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Kon Plông có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập.

Sau mấy lần đến huyện Kon Plông khảo sát và tìm hiểu tình hình, điều kiện mưu sinh, năm 2013, anh Lê Văn Tú (sinh năm 1977) quyết định đưa cả gia đình rời Lâm Đồng sang thôn Tu Rằng, xã Măng Cành lập nghiệp.

Với đồng vốn ít ỏi mang theo, muốn ổn định cuộc sống trên vùng đất mới, anh Tú tới “gõ cửa” Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông với hy vọng có thêm nguồn hỗ trợ về vốn để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, lãnh đạo ngân hàng đồng ý giải quyết cho anh vay 50 triệu đồng (năm 2015) để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Được tiếp thêm nguồn lực, anh Tú đầu tư nuôi 5 con bò, 40 con heo, làm nấm ăn, trồng rau. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cây rau màu, vật nuôi bán lấy tiền tích luỹ tái đầu tư mở rộng sản xuất, quyết chí làm giàu trên vùng đất mới.

Năm 2017, sau khi trả xong món nợ 50 triệu đồng vay 3 năm trước, anh Tú  tiếp tục vay thêm 120 triệu đồng để đầu tư trồng các loại cây ăn trái và rau xứ lạnh. Anh mở rộng diện tích đất canh tác lên tới 8,5ha (đất thuê thời hạn 50 năm của Nhà nước) để trồng các loại cây này. Sau 4 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, cuộc sống gia đình ổn định, cuối năm 2017, gia đình anh được chính quyền địa phương “giải phóng” ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Vườn rau bắp sú của anh Tú. Ảnh: Q.Đ

 

Không hài lòng với những gì đã làm được, năm 2018, ngoài số tiền tích luỹ được, anh vay thêm 500 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Kon Plông (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy) để đầu tư mở rộng sản xuất. Tính đến nay, anh đã đầu tư vào trang trại 8,5ha của mình với tổng số tiền khoảng 3 tỷ đồng; trồng các loại cây ăn trái như bưởi, cam, bơ, chanh, dâu tây và cây rau như cà chua, bắp sú. Hiện tại, anh đầu tư 100 triệu đồng để trồng 2.000m2 các loại hoa ly, lay ơn bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới; trong đó có 1.000m2 được trồng trong nhà kính, nhà lưới.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Tú cho biết, hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 400 triệu đồng.

 Giống như anh Tú, anh A Ru (sinh năm 1977), dân tộc Xơ Đăng - nhánh Mơ Nâm ở thôn Kon Ke, thị trấn Măng Đen cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội có cuộc sống kinh tế ổn định.

A Ru chia sẻ: Từ năm 2013 đến nay, tôi mạnh dạn vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông 2 lần với tổng số tiền 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Với số tiền đó, cùng với mượn thêm từ bạn bè và người thân, tôi đã đầu tư trồng 1,3ha cà phê catimo xen với cây bời lời, 4 sào mì, 4 sào lúa nước, nuôi 3 con bò, 1 con trâu và 3 ao cá.

Nhờ chí thú làm ăn, biết cách tích lũy để tái đầu tư sản xuất, thu nhập mỗi năm gia đình A Ru trên 100 triệu đồng. Gia đình anh thoát nghèo từ cuối năm 2018. Cũng nhờ có nguồn thu nhập ổn định, 2 đứa con của anh A Ru được đi học đàng hoàng. Tháng 6/2020, anh A Ru xây được ngôi nhà cấp 4 trị giá hơn 100 triệu đồng.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông đã giải quyết cho 3.942 lượt hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế; giải quyết cho hộ dân vay xây dựng 1.964 công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh; cho vay vốn 15 lao động đi làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc và Nhật Bản; giải quyết cho 64 sinh viên vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Tính chung cả giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tổng dư nợ tăng 8.462 triệu đồng (so với đầu năm 2016), tăng 124,62%; nợ quá hạn giảm 692 triệu đồng (so với đầu năm 2016), giảm 57,23%; nợ khoanh giảm 4.299 triệu đồng (so với đầu năm 2016), tỷ lệ giảm 79,77%.

Ông Ngô Xuân Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông cho biết: Với sự “chung tay góp sức” của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo của địa phương, đặc biệt góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi và ngăn chặn những tác động tiêu cực của tín dụng đen.

Quang Định

Chuyên mục khác