01/11/2017 06:18
Từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng sắt thép liên tục tăng, hiện giá thép xây dựng đã ở mức từ 15 - 16 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu. Đặc biệt, có thời điểm giá thép liên tục được điều chỉnh tăng, chỉ từ tháng 7 đến tháng 8, giá thép tăng khoảng 2.000 đồng/kg. So với hồi đầu năm, giá thép đã tăng 30%.
Nguyên nhân khiến thép tăng giá chủ yếu do tác động của thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng thép của người dân trong các tháng đầu năm thường cao bởi các công trình thường bắt đầu giai đoạn thi công cũng đã góp phần đẩy giá thép trên thị trường tăng lên.
Tuy nhiên, theo dự đoán của đa số người kinh doanh vật liệu xây dựng, sau khi đã tăng lên giá khá cao, từ nay đến cuối năm, giá thép chắc chắn khó có biến động nhiều. Bởi cùng với sự ổn định chung của thị trường thế giới, nhu cầu sử dụng thép vào những tháng cuối năm cũng thường không nhiều nên giá cả mặt hàng này sẽ có xu hướng bình ổn.
|
Trong quý II và quý III, cát cũng là mặt hàng có mức tăng giá mạnh. Sở dĩ giá cát tăng cao trong một thời gian là do các ngành chức năng đã từng bước siết chặt quản lý việc khai thác cát sỏi khiến nguồn cung bị khan hiếm, trong khi nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều.
Nếu như thời điểm đầu năm giá cát xây dựng chỉ ở ngưỡng 120.000 - 130.000 đồng/m3 cát xây và 160.000- 170.000 đồng/m3 cát tô, thì có thời điểm giá tăng đến 210.000- 220.000 đồng/m3 cát xây và 280.000 – 300.000 đồng/m3 cát tô.
Tuy nhiên, sau một thời gian “sốt” giá, mặt hàng cát xây dựng đã từng bước hạ nhiệt và quay trở lại mức giá như trước đây, hiện tại chỉ còn khoảng 130.000 đồng/m3 cát xây và 160.000 đồng/m3 cát tô.
Giá thép, cát xây dựng biến động mạnh đã khiến những người có nhu cầu xây dựng nhà cửa gặp khó khăn bởi điều này đã làm tăng phí xây dựng lên đáng kể.
Không chỉ người dân, các nhà thầu, các doanh nghiệp cũng lao đao, nhất là những nhà thầu xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” hoặc các doanh nghiệp đấu thầu các công trình lớn.
Nguyên nhân là thời điểm các đơn vị, cá nhân xây dựng dự toán giá thành để đấu thầu, giá các các loại vật liệu xây dựng còn ở mức thấp, nhưng quá trình thi công, các vật liệu thi nhau đội giá khiến cho giá thành công trình bị đẩy lên theo.
Riêng mặt hàng xi măng, giá vẫn tương đối ổn định. Giá xi măng hầu như không tăng mà luôn giữ ở mức 1,45 - 1,7 triệu đồng/tấn, tuỳ loại. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá xi măng tăng giảm chủ yếu do giá cước vận chuyển biến động, mà giá cước này lại phụ thuộc vào giá xăng dầu, nhưng thời gian qua, giá dầu tương đối ổn định nên giá mặt hàng này ít chịu ảnh hưởng.
Từ nay đến cuối năm là thời gian các công trình chủ yếu bước vào giai đoạn hoàn thiện nên các mặt hàng gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, dây cáp điện, sơn tường… sẽ có sức tiêu thụ cao. Tuy nhiên, do thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu trong và ngoài nước cạnh tranh gay gắt, nên các mặt hàng này ít có khả năng tăng giá mạnh.
|
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, bên cạnh việc giá cả thị trường vật liệu xây dựng điều chỉnh theo xu hướng khách quan thì vẫn có tình trạng găm hàng để đẩy giá lên cao theo kiểu “té nước theo mưa” nhằm trục lợi của một số doanh nghiệp, nhà phân phối. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn cũng như có sự can thiệp kịp thời, tránh tình trạng nâng giá tuỳ tiện.
Ngọc Thắng