Thị trường vào mùa khuyến mãi

17/11/2014 09:16

Những tháng cuối năm thường là thời điểm các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng; tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hoá với giá cả thấp, đồng thời giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá, quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít cơ sở lợi dụng chương trình này để bán các mặt hàng kém chất lượng hoặc hạ giá ảo để đánh lừa người tiêu dùng.
Cần siết chặt công tác quản lý hoạt động khuyến mãi: Ảnh: NT

 

Chia sẻ khó khăn, kích cầu tiêu dùng

Từ đầu tháng 11, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Kon Tum đã bắt đầu đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích thích sức mua của người dân.

Theo đó, những mặt hàng được khuyến mãi nhiều nhất là may mặc, thời trang, điện máy và đồ dùng gia đình… với mức giảm giá dao động từ 20 – 30%, cá biệt có nơi giảm tới 50 – 60%.

Bên cạnh đó, các siêu thị và một số cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ còn đưa ra các chương trình bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng với rất nhiều phần quà hấp dẫn.

Trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, các hoạt động khuyến mãi thực sự mang lại lợi ích thiết thực, giúp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong việc mua sắm và góp phần kích thích sức mua trong dân.

Vì thế, đa số những cửa hàng có chương trình khuyến mãi thường thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm hơn, bởi người tiêu dùng đều có tâm lý muốn tranh thủ mua được các loại hàng hoá với giá cả ưu đãi.

Chị Đặng Thị Quỳnh (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: Tôi luôn tận dụng các cơ hội giảm giá, khuyến mãi để sắm sửa cho gia đình, như thế mình có thể mua được những món đồ mong muốn mà lại tiết kiệm được ngân quỹ của nhà mình. Đợt này, tôi dự kiến mua một số đồ như: xoong, nồi; cây lau nhà và quần áo, giày dép mùa đông cho mọi người trong nhà…

Với các doanh nghiệp và những người buôn bán, việc đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi cũng là một chiến lược kinh doanh để doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi vốn, giải phóng hàng hoá để nhập hàng mới; tăng thêm doanh thu trong những tháng cuối năm... Và việc các doanh nghiệp thường chọn thời điểm cuối năm vì đây cũng là khoảng thời gian mà nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao để phục vụ trong dịp Noel, Tết Nguyên đán…

Tỉnh táo khi mua hàng khuyến mãi

Khách quan nhìn nhận, những chương trình khuyến mãi, giảm giá thực sự là hoạt động mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình khuyến mãi để thực hiện những chiêu trò khuyến mãi ảo, hoặc lợi dụng thời cơ để xả hàng, thanh lý hàng tồn kho, đánh lừa người tiêu dùng.

Dễ nhìn thấy nhất là những mặt hàng thời trang lỗi mốt, chất lượng kém, thường bị các cửa hàng nâng giá rồi lại hạ xuống; còn những mặt hàng điện máy, đồ dùng gia đình, cũng có không ít loại thuộc diện tồn kho lâu ngày, bị lỗi, không có bảo hành mà các cửa hàng luôn muốn tìm cách bán đi cho xong…

Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước khi quyết định mua sắm một mặt hàng khuyến mãi nào đó. Đặc biệt, cần xem xét kỹ các thông tin về sản phẩm, chức năng, dịch vụ hậu mãi, chế độ bảo hành, nhất là giá cả, xem đó có phải là giá giảm thật hay không.

Theo quy định, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá trị của loại hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều điểm bán hàng, siêu thị vẫn đưa ra mức giá khuyến mại có khi lên tới 60 - 70%.

Vì thế, người tiêu dùng nên tham khảo giá hoặc xem xét kỹ trước khi mua, để chắc chắn rằng vừa có thể mua được mặt hàng có chất lượng, vừa lại được ưu đãi về giá, tránh rơi vào tình cảnh bị “móc túi” mà không biết kêu ai.

Ngoài ra, để hoạt động khuyến mãi thực sự minh bạch, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, góp phần ổn định thị trường, giúp người tiêu dùng yên tâm khi mua sắm hàng hoá.

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác