Thị trường Tết: Hàng hóa dồi dào, vẫn lo hàng giả, hàng nhái

25/12/2019 06:04

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị trường hàng hóa phục vụ Tết dần sôi động, người dân bắt đầu rục rịch mua sắm. Trên thị trường, hàng hóa dồi dào, phong phú, tuy nhiên người dân không khỏi thấp thỏm lo âu về nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng mỗi khi Tết đến.

Tết là mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Vào thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị, đại lý hầu như đã hoàn tất việc dự trữ hàng hoá, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tại các siêu thị, các cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng, những mặt hàng Tết đã được trưng bày lên kệ, nhất là các giỏ quà Tết được bày bán ở những vị trí ưu tiên, nhằm thu hút khách hàng. Các giỏ quà Tết vô cùng đa dạng từ kiểu dáng, mẫu mã đến cả mức giá, phổ biến nhất là từ mức 300.000-1.000.000 đồng.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, sức mua trên thị trường chưa có nhiều thay đổi, nhưng các tiểu thương vẫn dành những vị trí ưu tiên nhất trưng bày hàng Tết để chào hàng và phục vụ các khách hàng mua sỉ. Giá cả hầu hết các mặt hàng vẫn giữ mức tương đối ổn định (ngoại trừ giá mặt hàng thịt lợn), thậm chí nhiều điểm bán hàng còn áp dụng chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Tiểu thương ở chợ tăng cường dự trữ hàng Tết, nhưng ở mức cầm chừng. Ảnh: NT

 

Đa số các cửa hàng, đại lý đều chọn các loại hàng hóa có chất lượng cao, đặc biệt là hàng Việt để kinh doanh dịp Tết. Về mặt hàng bánh kẹo, những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng chọn hàng Việt chất lượng cao của những thương hiệu nổi tiếng như: Bibica, Kinh Đô, Vinabico, Hữu Nghị...

Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp Tết Nguyên đán, tại các chợ, nhiều tiểu thương cũng tăng lượng nhập và bán các mặt hàng thực phẩm khô. Hiện, giá bán mặt hàng thực phẩm khô như măng khô, miến dong, nấm mèo, nấm hương… chưa có biến động. Chẳng hạn như nấm mèo có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, măng khô loại ngon có giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, măng khô loại thông thường có giá 200.000 - 230.000 đồng/kg, nấm hương có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg; miến 60.000 - 65.000 đồng/kg... tương đương với mức giá cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, theo một số tiểu thương tại chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum), vài năm gần đây, đa phần người dân thích mua sắm ở các siêu thị, đại lý lớn hơn ở chợ, nên sức mua ở chợ không cao, vì thế những người kinh doanh chỉ dự trữ ở mức cầm chừng. Mặt khác, hàng hoá ở chợ ít có chương trình khuyến mãi hay giảm giá như hàng bán ở trong siêu thị, doanh nghiệp lớn nên các tiểu thương ở chợ cũng “lép vế” hơn trong việc cạnh tranh, thu hút khách hàng. 

Để bình ổn thị trường hàng Tết trên địa bàn tỉnh, tránh xảy ra tình trạng khan hàng cục bộ, biến động giá, tăng giá đột biến, Sở Công thương đã xây dựng chương trình bình ổn giá cả hàng hóa dịp Tết. Hiện tại, có 4 đơn vị đăng ký tham gia dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn với giá cả ổn định.

Vào dịp Tết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, bánh mứt, kẹo, nước giải khát… sẽ tăng đột biến; đây cũng là cơ hội để các đối tượng kinh doanh bất chính lợi dụng tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đánh lừa người tiêu dùng.

Nhân viên siêu thị chuẩn bị những giỏ quà Tết. Ảnh: NT

 

Trong số các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vào Tết có mặt hàng rượu, bia và các loại đồ uống. Song, hoạt động kinh doanh rượu, bia hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng hầu như mới chỉ dừng lại ở bề nổi, tức là về tem, nhãn, bao bì chứ chưa đánh giá được sâu về chất lượng, trong khi thị trường đồ uống lại có quá nhiều chủng loại của nhiều nhà sản xuất, cung ứng khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”, khó có thể phân biệt được thật, giả.

Bên cạnh đó, tình trạng đánh tráo tem, nhãn kiểu nhập hàng Trung Quốc rồi gắn cho các nhãn mác của các thương hiệu có uy tín trong nước, hòng đánh lừa người mua cũng khá phổ biến hiện nay. Vấn nạn sử dụng tràn lan, vô tội vạ các loại hoá chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu; ăn bớt về trọng lượng cũng là vấn đề người tiêu dùng lo lắng.

Để kiểm soát thị trường hàng Tết, lực lượng liên ngành thuộc Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng hóa. Trong đó, chú trọng vào các mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong Tết như bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm…nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại. Sở Công thương phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh, các tiểu thương kinh doanh các loại hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Mùa mua sắm Tết Nguyên đán đã khởi động, sức mua sẽ tăng dần về những ngày giáp Tết, vì vậy, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng trong việc kiểm soát giá cả, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn hàng hóa để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác