Thị trường nước mắm dần phục hồi, nhưng chưa hết lo

01/11/2016 18:01

Trung tuần tháng 10, thông tin nhiều loại nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng khiến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có phần thận trọng khi chọn mua nước mắm. Tuy nhiên, sau công bố của Bộ Y tế, rằng 100% nước mắm không chứa asen vô cơ vượt ngưỡng quy định, thị trường nước mắm bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Chị Nguyễn Thị Hải (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Từ trước đến nay, gia đình tôi đều sử dụng những loại nước mắm có thương hiệu được sản xuất theo phương pháp truyền thống như: Phú Quốc, 584 Nha Trang... Tôi nghĩ rằng những loại nước mắm có độ đạm cao là thật chất hơn, tốt cho sức khoẻ thay vì ăn các loại nước mắm công nghiệp có độ đạm thấp. Đến khi thấy thông tin các loại nước mắm mình thường dùng lại bị nhiễm asen khiến cả nhà hoang mang, lo lắng không biết thế nào. Bây giờ, thông tin đã rõ ràng, tôi cũng phần nào yên tâm hơn, nhưng thực sự cũng vẫn chưa hết lo nên để chắc ăn, tôi nhờ người quen mua nước mắm từ các hộ sản xuất ở dưới Phú Yên, Bình Định gửi lên.

Khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum cho thấy, những ngày cuối tháng 10, tại một số chợ truyền thống, các đại lý bán lẻ, cửa hàng tạp hóa…, thị trường nước mắm có dấu hiệu ấm dần lên. Tuy nhiên, người dân cũng vẫn còn khá dè dặt, sức mua chưa ổn định trở lại.

Chị Nguyễn Thị Phương – chủ cửa hàng tạp hoá Mỹ Phương (đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum) kể: Hơn chục ngày qua, số lượng người mua nước mắm giảm hẳn. Hiện tại, người dân đã mua hàng trở lại, điều đáng nói là khách hàng mua nước mắm truyền thống nhiều hơn các loại nước mắm công nghiệp, song nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn.

Nhiều người tiêu dùng băn khoăn khi chọn mua nước mắm. Ảnh: N.T

 

Dù thị trường nước mắm chưa hoàn toàn phục hồi, nhưng các thông tin đã rõ ràng, người tiêu dùng cũng đã đủ cơ sở để lựa chọn các loại nước mắm phù hợp với nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều vùng sâu, vùng xa của tỉnh, những loại nước mắm không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan với giá cả vô cùng rẻ đang được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa.

Chia sẻ về vấn đề này, các cán bộ Đội quản lý thị trường số 4 phụ trách địa bàn huyện Kon Plông, Kon Rẫy cho biết: Ở nhiều xã vùng sâu, những loại nước mắm không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ được đóng vào can, chai với giá rẻ đến không ngờ, chỉ 25.000 đồng/5 lít. Nhiều người tiêu dùng thấy rẻ là ham mà không hề quan tâm đến chất lượng các mặt hàng này ra sao. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên đi kiểm tra nhưng những tiểu thương bán xong là đi, còn những người bán lẻ thì thiếu kiến thức về hàng hoá, cứ thấy người dân có nhu cầu là mua về bán lại. Những người này thường có hoàn cảnh khó khăn nên khó xử lý, xử phạt mà chỉ nhắc nhở và yêu cầu không được bán nữa.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, ở một số nơi, những loại nước mắm chỉ 5.000 – 6.000 đồng/lít vẫn được gắn nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng Phan Thiết, Phú Quốc, Cát Hải, Nam Hải… Những người quan tâm thì biết rằng không thể có chuyện nước mắm có thương hiệu mà lại được bán rẻ một cách bất thường như vậy, nhưng một số người tiêu dùng dễ dãi chỉ để ý vào mức giá bán miễn sao rẻ là được, còn chất lượng, thành phần ra sao họ đều tặc lưỡi cho qua.

Có thể nói, thị trường nước mắm hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất ổn, nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp, rồi nước mắm trôi nổi, nước mắm rởm... như một “ma trận”. Việc lựa chọn nước mắm dường như cũng là một bài toán khó với người tiêu dùng.

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác