Thị trường hàng hóa phục vụ năm học mới: Rục rịch vào mùa

02/07/2018 13:04

​Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa mới chính thức bước vào năm học mới 2018 - 2019, thế nhưng, thị trường hàng hoá phục vụ năm học mới đã khởi động. Các bậc phụ huynh bắt đầu rục rịch mua sắm các loại sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục, cặp sách để chuẩn bị cho con em mình vào năm học mới.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Kon Tum, tại các nhà sách, các cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo, lượng hàng hoá phục vụ năm học mới đều khá dồi dào và được trưng bày ở những vị trí ưu tiên nhất.

Sách giáo khoa là mặt hàng được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất và luôn được mua sớm nhất. Khoảng cuối tháng 6, người dân đã bắt đầu mua sắm, nhưng thời gian cao điểm là từ đầu tháng đến trung tuần của tháng 7. Giá cả mặt hàng này năm nay không có nhiều biến động so với các năm trước.

Theo bảng giá niêm yết của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5 có giá dao động từ 45.000 – 80.000 đồng/bộ; lớp 6 đến lớp 9 từ 100.000 – 120.000 đồng/bộ; lớp 10 đến 12 từ 142.000  155.000đồng/bộ... Nếu tính cả các loại vở bài tập, mỗi bộ sách có giá gấp khoảng 2 lần so với một bộ sách giáo khoa tiêu chuẩn.

Các bậc phụ huynh chọn sách vở cho con. Ảnh: N.T

 

Các loại đồ dùng học tập như tập vở, bút, thước... nhìn chung cũng không có nhiều thay đổi về mặt giá cả; nhưng hàng hoá thì có phần đa dạng, phong phú hơn những năm trước.

Trong những năm gần đây, hàng hoá do các công ty trong nước sản xuất với giá cả hợp lý, chất lượng tốt luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn như Tiến Phát, Tân Thuận Tiến, Vĩnh Tiến, Hồng Hà, Thiên Long…

Mặt hàng ba lô, cặp sách cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Giá cả mặt hàng này cũng vô cùng phong phú từ những loại bình dân, thông dụng với mức giá dao động từ khoảng 70.000 – 100.000 đồng/chiếc đến các loại khá hơn là cặp, ba lô có tay cầm kéo với mức giá khoảng 300.000 – 400.000 đồng/chiếc, thậm chí các loại ba lô, cặp cao cấp có chức năng chống gù có giá từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng/chiếc...

Theo nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này, mặt hàng ba lô, cặp sách chưa có nhiều người mua bởi các bậc phục huynh đều đang dành ưu tiên cho việc mua sắm những mặt hàng quan trọng hơn như sách giáo khoa, vở, bút, đồng phục trước. Chưa kể, nhiều gia đình điều kiện kinh tế eo hẹp thì càng phải cân nhắc, mua sắm dần dần từng thứ một nên ba lô, cặp sách luôn phải xếp sau.

Thị trường đồng phục học sinh năm nay cũng được khởi động khá sớm. Từ đầu tháng 6, các cửa hàng thời trang, may mặc đã dành những vị trí ưu tiên để trưng bày, giới thiệu các mẫu đồng phục.

So với các năm trước, năm nay, số lượng các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đồng phục học sinh nhiều nên giá cả, chất lượng cũng sẽ cạnh tranh hơn, giúp các bậc phụ huynh có nhiều lựa chọn.

Đa phần các gia đình thường chọn các loại quần áo may sẵn để mua cho con mình thay vì việc mua vải, đi may như trước đây. Bởi, theo ý kiến của nhiều  bậc phụ huynh, mặc dù là hàng may đo sẵn nhưng từ chất liệu, kiểu dáng, mẫu mã… đều khá ổn; giá cả cũng tương đối hợp lý, dao động từ mức 220.000 – 300.000 đồng/bộ mà phụ huynh không phải mất nhiều công như  khi đi may đồ cho con…

Chiếm ưu thế trên thị trường là các mặt hàng đồng phục do các công ty cung ứng. Bên cạnh đó, vài năm gần đây, nhiều cơ sở may mặc trên địa bàn tỉnh cũng cung ứng ra thị trường một lượng sản phẩm không nhỏ góp phần làm đa dạng, phong phú thêm thị trường đồng phục học sinh.

Sandal, giày dép học sinh với nhiều mẫu mã cải tiến do các công ty trong nước sản xuất, giá cả phù hợp với túi tiền cũng góp phần làm phong phú các mặt hàng phục vụ năm học mới.

Chẳng hạn như giá mỗi đôi dép quai hậu của Biti’s, Bita’s có giá từ 120.000 đồng trở lên.

Giày thì đa dạng kiểu dáng, màu sắc với nhiều chất liệu, tùy vào túi tiền phụ huynh có thể lựa chọn cho con em mình sản phẩm phù hợp.

Từ nay đến năm học mới còn một khoảng thời gian khá dài. Với sự đa dạng về nguồn hàng, sự ổn định về mặt giá cả, các bậc phụ huynh sẽ có những chọn lựa tốt nhất để trang bị đầy đủ cho con em mình khi bước vào năm học mới.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác