Theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững

12/12/2018 07:07

Xây dựng nông thôn mới cần theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững là quan tâm đến lợi ích thực sự của người dân cả tinh thần lẫn vật chất. Vai trò làm chủ của người dân được phát huy.

Các mô hình sản xuất mới hiệu quả có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; từ liên kết sản xuất - chế  biến - tiêu thụ sản phẩm tránh tình trạng hàng hóa làm ra không tiêu thụ được… Bởi, mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn.

Trong thời gian qua, tỉnh ta đẩy mạnh phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức ra quân phát động phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh ngay từ đầu các năm 2016, 2017, 2018 và đạt nhiều kết quả.

Đường nông thôn đã được bê tông hóa tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: D.L

 

Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã huy động được 41.894 người dân tham gia ra quân; huy động nhân dân tham gia đóng góp được 659 triệu đồng để xây dựng 5,22km đường giao thông nông thôn; phát quang, mở rộng đường, dọn vệ sinh, vét rãnh thoát nước đường giao thông nông thôn 237,6km; chỉnh trang, san gạt mặt bằng 15,8km đường; nạo vét, phát dọn 63,7km kênh mương thủy lợi; sửa chữa, nạo vét 18 công trình đập thủy lợi đầu mối; xây dựng 1 cầu gỗ dân sinh; thu gom, xử lý 82m3 rác thải; đào 210 hố chứa rác thải; chỉnh trang hàng rào của 616 hộ; phát dọn vệ sinh môi trường các điểm công cộng 32,5km; tưới và chăm sóc 57ha cà phê; xây dựng 1 sân bê tông nhà rông văn hóa; san gạt 1 mặt bằng sân bóng chuyền…

Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; qua đó đã huy động, bố trí tổng cộng 271.709 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương 139.489 triệu đồng, ngân sách tỉnh 119.140 triệu đồng, ngân sách huyện, xã 3.462 triệu đồng, nhân dân đóng góp và nguồn khác 9.617 triệu đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tính đến đầu tháng 12/2018, trong 6 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2018, đã nỗ lực triển khai thực hiện được nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cụ thể: xã Đăk Năng (thành phố Kon Tum) đạt chuẩn 16/19 tiêu chí, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) đạt 15/19 tiêu chí, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đạt 12/19 tiêu chí, xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) đạt 16/19 tiêu chí, xã Pờ Ê (huyện Kon Plông) đạt 17/19 tiêu chí; xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) đạt 14/19 tiêu chí. Hiện nay, các xã này đang được các địa phương tập trung đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện, nhất là tiêu chí thu nhập, quyết tâm phấn đấu để đạt chuẩn vào cuối năm 2018.

Thu hoạch lúa ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà. Ảnh: D.L

 

Có thể nói xây dựng nông thôn mới là một tiến trình, đòi hỏi tính liên tục với sự nâng chất không ngừng các tiêu chí. Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà yêu cầu của người dân thì ngày càng cao, không chỉ là vật chất, tinh thần, mà quan trọng hơn hết là người dân còn cần được tôn trọng trong các mối quan hệ hàng ngày.

Nông thôn mới không chỉ là con đường mới, cây cầu mới, mà là sự thông thương hàng hóa, nông sản. Nông thôn mới không chỉ là trường học mới, mà là chất lượng dạy và học; không chỉ là trạm y tế mới mà là thái độ phục vụ của người thầy thuốc, mà là môi trường an toàn không dịch bệnh; nhà văn hóa không chỉ đơn thuần là nơi hoạt động văn hóa, học tập, sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà là ngôi nhà chung về tinh thần, thuận hòa đầm ấm; trụ sở làm việc của UBND xã không chỉ là cơ sở hành chính hiện đại, khang trang mà chính là thái độ phục vụ mới và lề lối làm việc mới của cả hệ thống chính trị cấp xã - cấp gần dân nhất…

Phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XI vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Kết quả đạt được sau gần 5 năm về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nhiều vùng nông thôn trong tỉnh có khởi sắc, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ và khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhưng nhìn chung vẫn chưa được như kỳ vọng. Nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa thật sự bền vững, sức cạnh tranh còn thấp; giá cả và liên kết tiêu thụ nông sản chưa ổn định; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chỉ đạt được một số kết quả bước đầu, chưa bảo đảm yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn còn chênh lệch khá xa với khu vực đô thị. Nhiều xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng gặp khó khăn trong việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt được. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn nặng nề về công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tập trung chỉ đạo đúng mức nhiệm vụ phát triển sản xuất; một bộ phận cán bộ và người dân còn có tư tưởng ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước…

Đổng chí Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, để xây dựng nông thôn mới thành công, cần phân tích nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu để thực hiện hiệu quả; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự sáng tạo, tích cực, chủ động của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.

                                                                                 Dương Lê

Chuyên mục khác