19/07/2019 06:20
Theo báo cáo của Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), du lịch Kon Tum đang thu hút sự quan tâm của nhiều hãng lữ hành. Có thể thấy, ngoài lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh thì số lượng khách quốc tế cũng tăng đáng kể. Nếu năm 2017, khách du lịch quốc tế đến với tỉnh đạt 124.854 lượt, thì năm 2018 số khách quốc tế đạt 182.150 lượt; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 123.270 lượt khách quốc tế đến với Kon Tum, đạt 91,25% kế hoạch năm.
Không chỉ tăng về số lượng mà sự kết nối du lịch giữa các điểm đến cũng được các địa phương và các công ty du lịch chú trọng đúng mức, vừa tạo nên sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm du lịch trong các tour, tuyến, vừa góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách trên địa bàn tỉnh, kích thích các ngành dịch vụ phát triển, tăng thu nhập cho người dân.
Các tour, tuyến, điểm du lịch kết nối giữa thành phố Kon Tum với Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và nhiều sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tập trung khai thác. Ngày càng có nhiều lượng khách du lịch tìm hiểu về Ngã ba biên giới “Một tiếng gà 3 nước cùng nghe”; tham quan, tìm hiểu về vùng biên giới 3 nước Việt Nam -Lào - Campuchia; tham quan cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; hành trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa…
|
Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Quản lý du lịch cho biết, các sản phẩm du lịch như: du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm... đều có triển vọng tăng trưởng. Một số sản phẩm đặc trưng phong phú, mang đậm nét riêng như rượu vang sim, gà nướng Kon Plông,.. đã được tổ chức Kỷ lục Quốc gia công nhận. Gần đây, các tour du lịch như khám phá tuyến du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), gắn với tham quan di tích lịch sử Chư Tan Kra được triển khai. Tỉnh cũng ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei gắn với tour du lịch mới chinh phục đỉnh Ngọc Linh đưa du khách đến tham quan và trải nghiệm...
Được biết, hiện nay, Kon Tum đang có nhiều dự án lớn đang được đầu tư như Tổ hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và nhà phố FLC Kon Tum; Tổ hợp trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum; Khu phức hợp đô thị Vinhomes Kon Tum; Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Măng Đen…
Mới đây, Tập đoàn FLC và Công ty Travel Master (Hàn Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, hỗ trợ nhau đưa du khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam và tỉnh Kon Tum, thông qua hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC); phối hợp phát triển các gói du lịch mang đậm bản sắc riêng ở Kon Tum-Việt Nam. Điều này cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho du lịch Kon Tum tăng trưởng mạnh hơn trong các năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kon Tum, mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch; các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, nhưng điểm yếu của du lịch Kon Tum là chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác quảng bá, xúc tiến còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có sự dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, do nguồn tài chính eo hẹp nên hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa căn cứ vào thị trường, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối đồng bộ trong cả hệ thống. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản, chưa có tính đột phá, sáng tạo. Nguồn nhân lực của tỉnh ta vừa thiếu, lại vừa yếu, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn văn hóa, lịch sử, kiến thức cuộc sống, cũng như khả năng đối ngoại còn hạn chế…
Việc phát triển du lịch phải vận hành theo quy luật thị trường, điều cần thiết trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng; có chính sách đồng bộ, nhất quán để phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng để tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ vừa đa dạng, vừa phong phú và mang đậm nét đặc trưng riêng của Kon Tum…, qua đó, giữ chân du khách thêm nhiều ngày và cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách quốc tế - ông Huỳnh Đức Tiến nói.
Dương Lê