02/12/2020 06:02
Đăk Hà là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 9.000ha đang thời kỳ kinh doanh. Hiện nay, tại đây đang bước vào chính vụ thu hoạch, nhưng không khí thu hoạch, mua bán cà phê khá trầm lắng. Người mua ít, người bán thì buồn rầu vì cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá. Hiện, giá cà phê nhân xô chỉ còn khoảng 31.000-32.000đ/kg; giá cà phê quả tươi khoảng 6.500 - 6.700 đồng/kg.
Ông Lê Văn Sửu (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) buồn bã kể: Nhà tôi có hơn 2.000 cây cà phê, mới thu hoạch được hơn nửa, ước tính so với mọi năm, năng suất giảm khoảng 4 tấn quả tươi/ha. Hiện tại, giá bán cà phê tươi chỉ còn 6.600 đồng/kg nên tôi tính bán bớt một phần đủ để trả công thu hái, còn lại phơi khô, trữ lại chờ một thời gian nữa, xem giá cả có nhích thêm được chút nào không rồi mới bán.
Nói vậy, chứ ông Sửu cũng không hy vọng nhiều vì thực tế tình trạng giá cà phê ở mức thấp đã kéo dài suốt 2 năm qua. Thậm chí, như niên vụ cà phê trước, đầu vụ giá bán còn được 7.500-7.700 đồng/kg quả tươi, tương đương với mức 34.000- 35.000 đồng/kg cà phê nhân xô, nhưng sau đó thì giá cà phê giảm dần và giữ ở mức 31.000 – 33.000 đồng/kg nhân xô cho đến nay.
|
Không chỉ mất mùa, mất giá, người trồng cà phê Đăk Hà còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuê nhân công thu hái, giá thuê nhân công cao ngất ngưởng.
Đón mãi vẫn chưa tìm được người hái, ông Nguyễn Văn Vương (khối phố 1, thị trấn Đăk Hà) thở dài: Gần 3 ha cà phê nhà tôi đã chín đỏ, nhưng gần chục ngày nay chưa tìm được người hái. Không hiểu sao năm nay, số lao động từ các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…lên làm công rất ít và họ đòi giá cao quá, tới 100.000 – 110.000 đồng/tạ quả tươi. Đấy là vườn cà phê nhà tôi được quả chứ nhà nào quả ít họ đòi tới 120.000 -130.000 đồng/tạ thì chịu sao nổi.
Vì khan hiếm nên để thu hút, giữ chân người lao động, các gia đình đều phải đưa ra nhiều “ưu đãi” như bố trí chỗ ăn nghỉ, nuôi cơm, mua thêm trái cây, nước ngọt bồi dưỡng khi làm việc… Nói chung là nhà nào cũng phải “chiều” người hái, chứ không họ “giận” bỏ về thì hỏng việc, bởi cà phê để lâu quá sẽ rụng quả.
Chẳng riêng gì ở Đăk Hà, tình cảnh mất mùa, mất giá, khó thuê nhân công diễn ra tại hầu hết các vùng trồng cà phê trên địa bàn tỉnh.
Theo tính toán của người trồng cà phê, chi phí cho mỗi héc ta cà phê (tương ứng với khoảng 1.000 cây) trung bình mất trên 100 triệu đồng gồm tiền phân bón, tưới nước, phun thuốc, làm cỏ, thuê nhân công... Như vậy, với năng suất bình quân khoảng 3-3,5 tấn cà phê nhân/ha và giá bán ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg thì người trồng gần như không có lời, thậm chí có nhà còn phải bù lỗ.
Giá bán thấp, trong khi các chi phí khác thì liên tục tăng cao qua từng năm đẩy thu nhập của người dân xuống thấp khiến nhiều người trồng cà phê nản lòng. Một số hộ bắt đầu tỏ ra chán nản và tính đến việc chặt bỏ cà phê để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác hoặc trồng xen canh để tăng giá trị kinh tế.
Nông dân buồn vì không có lãi, còn các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến cà phê cũng méo mặt vì quá “nhàn”, bởi người dân còn đang đắn đo, tiếc nuối nên chưa bán.
Với thực tế giá cả, năng suất, giá thuê công hiện tại, có thể nói, đây là một niên vụ cà phê đầy khó khăn với người nông dân.
Thiên Hương