Thay đổi từ nhận thức đến hành động

05/08/2018 17:54

​Sau gần 9 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trên địa bàn trong tiêu dùng; người dân ngày càng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt; các cơ quan, đơn vị cũng ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm trong nước.

Nhận thức được vai trò, sức mạnh của hoạt động thông tin, tuyên truyền trong việc tạo ra sức lan toả của Cuộc vận động; trong những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, đa dạng các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt.

Các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép nội dung Cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua của mỗi đơn vị. Tiêu biểu như Mặt trận Tổ quốc các cấp đã triển khai lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội Nông dân lồng ghép với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tham gia xây dựng nông thôn mới; Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có phong trào phụ nữ với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn các loại hàng Việt. Ảnh: T.H

 

Các sở, ngành, địa phương cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền Cuộc vận động này, trong đó hình thức tuyên truyền trực quan trên pa nô, áp phích, khẩu hiệu được khai thác triệt để nhằm tạo ra hiệu quả tuyên truyền phù hợp với thói quen, tập quán và trình độ dân trí ở địa phương cơ sở.

Nhờ đó, Cuộc vận động ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Kon Tum đã phát huy được hiệu quả tích cực. Thông qua các chuyên mục, bản tin định kỳ hàng tuần, hàng tháng; các nội dung tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc lựa chọn hàng hóa, thay đổi thói quen tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp với hàng hóa do mình sản xuất hoặc phân phối.

Các nội dung phản ánh của báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng, nhà quản lý nắm bắt được những yếu tố tích cực cũng như hạn chế để xây dựng các chương trình, hoạt động phù hợp hơn; các doanh nghiệp điều chỉnh phương pháp sản xuất, kinh doanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền; ngành Công thương phối hợp với các địa phương tích cực triển khai thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức được hơn 100 chuyến đưa hàng Việt bằng xe lưu động về các thôn, xã vùng sâu, vùng xa; 11 phiên chợ hàng Việt về các huyện biên giới, vùng sâu trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được xem như là một giải pháp quan trọng và có tính đột phá trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Thông qua các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện để người dân nông thôn được tiếp cận nguồn hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với giá cả hợp lý phù hợp với thu nhập.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng bản thân các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước cũng ngày càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Đến nay, phần lớn người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã thay đổi thói quen trong việc lựa chọn, sử dụng hàng hoá, không còn mặn mà với những loại hàng giá rẻ, hàng trôi nổi mà ưu tiên sử dụng hàng hoá trong nước.

Đa số người tiêu dùng khi được hỏi đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa nội địa và tin tưởng lựa chọn các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”; nhất là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh ta…

Không chỉ có người dân, ngay cả nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đến việc dùng hàng Việt trong mua sắm trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu để phục vụ cho hoạt động chuyên môn, sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Với việc thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng của người dân, của các cơ quan, đơn vị không chỉ khẳng định sức lan toả mạnh mẽ của Cuộc vận động, mà qua đó còn góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Song, để người tiêu dùng thật sự tin tưởng và gắn bó với hàng Việt, các cấp, các ngành cần có nhiều hoạt động đồng bộ và hiệu quả hơn nữa; đặc biệt là, cần chú trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; hỗ trợ để doanh nghiệp tích cực đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng...

Thiên Hương

Chuyên mục khác