12/04/2021 06:08
Mấy năm rồi mới có dịp trở lại thăm Đăk Ui, tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc của vùng đất anh hùng. Hai bên đường, những dãy đồi cằn khô một thời bom đạn giờ đây đã được phủ xanh bởi cà phê, bời lời, cao su; những ngôi nhà xây kiên cố nằm dưới tán cây ăn quả; những tuyến đường nội thôn, liên thôn, đi khu sản xuất đều được bê tông hoặc đổ nhựa.
Đón chúng tôi tại xã, chị Tô Thị Bình – Bí thư Đảng ủy xã niềm nở: “So với trước, xã có sự thay đổi rất nhiều. Ngoài sự hỗ trợ, các nguồn lực đầu tư cơ sở, hạ tầng, người dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp nên đời sống no ấm hơn. Hiện nay xã đã đạt các tiêu chí để thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn”.
Để tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế, xã Đăk Ui đã lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi diện tích mì, bời lời và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Sau quá trình tuyên truyền, vận động, đến nay, 234 hộ dân đã đăng ký trồng rừng, trồng cây ăn quả (khoảng 174ha) trên diện tích đất đồi, đất rẫy bạc màu, kém hiệu quả. “Trước mắt chúng tôi lên danh sách, chủ động rà soát quỹ đất, tuyên truyền người dân xử lý thực bì, tìm hiểu kỹ thuật để xuống giống vào mùa mưa” – chị Bình cho hay.
|
Vốn quen với việc trồng lúa, trồng mì, nay, nhận thấy cây mì mang lại giá trị kinh tế thấp, lại làm đất bạc màu, anh A Thuần – Phó bí thư chi bộ, trưởng thôn Kon Tu đăng ký trồng 1ha keo và 50 cây mắc ca. Anh cho biết, không chỉ riêng anh mà 24/107 hộ dân khác trong thôn cũng đăng ký chuyển đổi cây trồng.
“Nhận thức của bà con thay đổi nhiều rồi. Trước đây, với tư tưởng “mì ăn liền”, ai cũng nghĩ trồng cây ngắn ngày mới mang lại thu nhập. Bây giờ, được định hướng, hiểu ra vấn đề, bà con dám thay đổi, đầu tư chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn. Biết rằng việc gì ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc, tiếp thu, vận dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc để đạt hiệu quả cao” – anh A Thuần chia sẻ.
Hay như anh A Khôi ở thôn Kon Năng Treang cũng mạnh dạn đăng ký trồng 1ha mắc ca, 1ha cây ăn quả (bơ, sầu riêng). Ngoài việc được định hướng, bản thân anh cũng tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật chăm sóc cũng như chuẩn bị vốn để đầu tư khi mùa mưa xuống. “Sẽ có những bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng hy vọng những cây trồng mới sẽ giúp đời sống kinh tế nơi đây khá hơn”- anh A Khôi nói.
Ngoài việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ dân cũng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như anh Lê Quốc Vương ở thôn Kon Ktu, đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để giảm nhân công, chi phí chăm sóc diện tích mít Thái, sầu riêng xen canh cà phê. Không riêng anh Vương, nhiều hộ dân cũng đã áp dụng cơ giới vào sản xuất. “Hiện nay bà con đã biết sử dụng máy móc để thay thế sức người. Như thu hoạch lúa chẳng hạn, đa số đều sử dụng máy móc, tiết kiệm nhân công rất nhiều”- anh Lê Quốc Vương cho hay.
Thay đổi cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập của người dân tăng lên, kinh tế gia đình được nâng cao. “Hiện nay xã đã đạt được 13/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2021, chúng tôi triển khai xây dựng kế hoạch, cố gắng đạt thêm 3 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2022 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng tâm, đồng lực của người dân, kinh tế-xã hội của xã Đăk Ui sẽ phát triển hơn nữa” – chị Bình nhấn mạnh.
Hoài Tiến