23/05/2023 13:49
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay, tần suất và mức độ nghiêm trọng, bất thường của các sự kiện thời tiết cũng ngày càng tăng lên.
Dù không như các tỉnh ven biển, thường xuyên phải hứng chịu các cơn bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ biển và sạt lở đất, nhưng những năm gần đây, Kon Tum cũng đã và đang phải hứng chịu các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai.
Theo số liệu thống kê, trong 4 năm 2019-2022, thiên tai đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế- xã hội, gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế và đời sống người dân, với tổng thiệt hại lên tới hơn hàng nghìn tỷ đồng.
|
Như năm 2019, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, giông sét, sạt lở đất đã làm chết 4 người, nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, tổng thiệt hại gần 90 tỷ đồng.
Năm 2020, đã có 3 người chết và 3 người bị thương; 2.045 nhà ở, hàng trăm công trình hạ tầng (trường học, dập thủy lợi, đường giao thông, cầu cống, cấp nước sinh hoạt), 2.644ha lúa, hoa màu, cây trồng... bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thiên tai, với tổng giá trị lên tới hơn 656 tỷ đồng.
Năm 2021, mưa lũ đã làm 3 người chết, 167 nhà ở bị tốc mái, đổ hoặc ngập nước; hàng chục công trình hạ tầng bị hư hỏng, 688,2ha cây trồng bị ảnh hưởng. Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 129 tỷ đồng.
Mới đây nhất, báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN&PTDS năm 2022 cho biết, toàn tỉnh đã có 3 người chết, 157 nhà dân và nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng, 569,5ha đất sản xuất bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng do thiên tai. Tổng giá trị thiệt hại lên tới hơn 319 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện tượng động đất đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và một số vùng lân cận. Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ tháng 1/2022-3/2023, trên địa bàn này đã ghi nhận trên 316 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,7 độ richter.
Các con số nêu trên không đơn thuần là hậu quả, nó còn chỉ ra một thực tế đáng lo ngại hơn nhiều. Đó là thời tiết, khí hậu, thủy văn trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng đưa ra nhận định, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, bất thường, với nhiều loại hình thời tiết cực đoan hơn, như mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt; gây mất an toàn tính mạng người dân và các công trình hạ tầng.
Đồng thời cho thấy quản lý rủi ro thảm họa và xây dựng năng lực ứng phó rủi ro khí hậu là những vấn đề quan trọng cần quan tâm giải quyết trong quá trình phát triển của tỉnh.
Nghĩa là cần phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi tư duy trong phòng, chống thiên tai. Thay vì thụ động ứng phó, phải tiếp tục chủ động đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và xây dựng năng lực ứng phó lâu dài.
Thuận lợi mà chúng ta đang có là sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo hiệu quả của chính quyền, cũng như nỗ lực của các ngành, địa phương trong triển khai chính sách ứng phó với thiên tai.
|
Việc củng cố, kiện toàn ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp; huy động mọi lực lượng, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong thời gian qua là một số ví dụ điển hình về quyết tâm trong xây dựng khả năng ứng phó thiên tai.
Dù vậy, các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo rằng, phòng, chống thiên tai cần được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro; từ ứng phó khẩn cấp, giảm nhẹ rủi ro thông qua tăng cường khả năng chống chịu sang chủ động phòng ngừa.
Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn. Vì thế, công tác phòng, chống thiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp.
Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương nhằm tăng cường liên kết trong giảm thiểu tác động, nâng cao an toàn cho cộng đồng, người dân trước thiên tai.
Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ; kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn.
Chính quyền địa phương cần được nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành; chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức diễn tập, huấn luyện thuần thục, sẵn sàng triển khai khi xảy ra thiên tai.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai phải được tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai, hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai.
Lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Và cuối cùng, trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp như hiện nay, cũng cần tính đến các giải pháp huy động thêm nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Hồng Lam