02/11/2019 06:02
Các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đang rục rịch bước vào vụ thu hoạch cà phê. Ở một số nơi, người trồng cà phê đã chọn hái đợt quả chín bói. Thế nhưng, thị trường cà phê lại khá ảm đạm, vì giá cả mặt hàng này duy trì ở mức thấp trong thời gian qua. Hiện, giá cà phê nhân xô trên thị trường tỉnh ta dao động quanh mức 30,5 - 31 triệu đồng/tấn - mức giá thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
“Bức tranh giá cả” không mấy sáng sủa, khiến không khí chuẩn bị thu hoạch cà phê ở các vùng có diện tích cây cà phê lớn như: Đăk Hà, Đăk Tô, thành phố Kon Tum… không rộn ràng như các năm trước.
Anh Nguyễn Văn Yên (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) cho biết: Thông thường, vào đầu mùa vụ thu hoạch, giá cà phê ở ngưỡng cao hơn lúc chính vụ, khoảng từ 42 - 44 triệu đồng/tấn, có khi lên tới 46 - 47 triệu đồng/tấn. Vì thế, người nông dân rất phấn khởi, háo hức mỗi khi vào vụ thu hái. Năm ngoái, thời điểm này, giá cả cũng xuống thấp, nhưng vẫn được 36 - 37 triệu đồng/tấn chứ chưa khi nào khởi động vụ thu hoạch mới lại thấp như năm nay.
Ông Hồ Văn Hoài (xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mọi năm, vào thời điểm này, gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cà phê, nhưng năm nay, phần vì vườn cà phê còn nhiều quả xanh, tôi đợi quả chín thêm chút nữa mới thu hoạch, phần vì giá cả thị trường thấp quá, thấy nản nên chưa muốn thu hoạch. Mặt khác, năm nay, các thương lái cũng khá dè dặt trong việc thu mua dù giá cà phê ở mức chạm đáy, khiến những hộ trồng cà phê như tôi không khỏi lo lắng, vì không biết lúc thu hoạch có dễ bán không, tư thương có ép giá không…
|
Theo những người trồng cà phê lâu năm, nhìn vào diễn biến giá cả từ vụ cà phê trước đến giờ, người dân không hy vọng nhiều vào việc giá cà phê có thể “đảo chiều”. Nếu mức giá này tiếp tục được duy trì thì vụ mùa này người nông dân chắc chắn sẽ không có lãi là bao, thậm chí thua lỗ.
Chưa hết, nhiều chủ vườn còn lo ngại dù giá cà phê xuống thấp, nhưng chi phí nhân công thu hoạch thì không bao giờ hạ xuống mà thậm chí vào đợt thu hoạch rộ còn có nguy cơ tăng lên. Như vậy, người trồng cà phê sẽ “thiệt đơn thiệt kép”.
Anh Nguyễn Văn Yên tính toán: Như vụ cà phê vừa rồi, giá thuê nhân công bình quân là 90.000 đồng/tạ cà phê tươi, tính hết các khoản chi phí từ tiền công, ăn uống, mua bao bạt… cũng vào gần 20 triệu đồng/ha. Năm nay, với giá bán cà phê như thế này mà giá nhân công vẫn như năm ngoái thì không cần tính kỹ cũng đủ biết các chủ vườn nắm chắc mức thua lỗ.
Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, rồi thu hái, phơi phóng…
Theo một số nông dân, nếu tình hình giá cả cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài thì buộc họ sẽ phải chuyển hướng sản xuất sang trồng các loại cây khác chứ không theo đuổi việc trồng cây cà phê.
Rõ ràng, giá cả, đầu ra ổn định là điều mà người nông dân luôn ước mơ để có thể gắn bó với bất kỳ loại cây trồng nào. Vì vậy, giá cả bấp bênh khiến không ít nông dân không khỏi nao núng và tính đến việc thay đổi cây trồng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 21.000 ha cà phê, để góp phần giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, chính quyền và doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm; khuyến cáo người dân bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nán bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần có định hướng quy hoạch phát triển vùng trồng cà phê cho phù hợp để tránh tình trạng mở rộng diện tích một cách ồ ạt, đến khi mất mùa, mất giá thì lại thi nhau phá bỏ.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.
Ngọc Thắng