Thấp thỏm nỗi lo an toàn thực phẩm mùa Tết

19/01/2019 06:45

Đã thành thông lệ, trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân bao giờ cũng tăng mạnh. Vào những thời điểm này, cùng với nỗi lo về giá cả “nhảy múa” thì vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhiều mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu luôn là điều khiến người tiêu dùng phải thấp thỏm lo âu.

Theo dự báo thị trường của Sở Công thương, nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 sẽ tăng cao hơn khoảng 15-20% so với tháng bình thường trong năm. Lượng hàng được tiêu thụ nhiều nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ gia dụng, đặc biệt mặt hàng tươi sống vào những ngày sát Tết, trong và sau Tết Nguyên đán.             

Đây chính là thời điểm gian thương lợi dụng để tung ra thị trường những sản phẩm hàng hoá kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Vì thế, câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm mùa Tết dường như là vấn đề cũ nhưng nỗi lo của người tiêu dùng thì lại chưa bao giờ cũ.

Nhiều mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan ở chợ

 

Chợ là kênh phân phối và tiêu thụ hàng hoá phổ biến và nhiều nhất trong dịp Tết, thế nhưng, chất lượng hàng hoá ở các chợ vẫn còn nhiều vấn đề khiến người tiêu dùng phải băn khoăn, lo lắng nhất.

Dạo quanh một vòng qua các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum như Chợ Trung tâm thương mại, Duy Tân..., phóng viên Báo Kon Tum nhận thấy, đối với các mặt hàng bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, hạt dẻ...., bên cạnh các thương hiệu như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà... thì vẫn còn không ít những mặt hàng không có thông tin sản phẩm hoặc thông tin không rõ ràng được đóng gói sơ sài trong các túi ni-lông và bán theo cân với mức giá khá “mềm”.

Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của những loại bánh kẹo này, những người bán đều giới thiệu từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ngãi, thậm chí là nhập ngoại của Thái Lan, Hàn Quốc... và bảo “cứ vô tư sử dụng, không sao cả”.

Các mặt hàng đồ khô như măng, miến, đậu lạc... cũng “nan giải” không kém khi hầu hết đều được đựng trong các bao bì lớn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tất cả các thông tin đều chỉ biết qua lời giới thiệu của những người bán hàng.

Trong dịp Tết, các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm cùng với các mặt hàng chế biến như giò, chả, nem, lạp xưởng… luôn có sức tiêu thụ rất cao. Và đây cũng là những mặt hàng khiến người tiêu dùng lo lắng nhiều nhất về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở, khi thời gian này, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những ổ dịch lở mồm long móng trên đàn heo, dịch cúm trên đàn gia cầm... Ai dám đảm bảo rằng, những con heo, con gà bị bệnh sẽ không bị gian thương xẻ thịt để đưa ra thị trường tiêu thụ? Rồi các loại thực phẩm chế biến như giò, chả, xúc xích... đều được làm từ các nguyên liệu tươi ngon, an toàn hay cũng bị trà trộn vào trong đó cả những nguyên liệu không đảm bảo.

Mặt khác, theo đánh giá của ngành chức năng, các sản phẩm giò, nem, chả được bán ra trên thị trường tỉnh ta chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống. Các cơ sở sản xuất này thường nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Chưa nói đến việc, nhiều chủ cơ sở còn tự ý sử dụng các loại chất phụ gia như hàn the, bảo quản để sản phẩm được đẹp, ngon và giữ được lâu hơn...

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng tươi sống luôn là điều mà người tiêu dùng quan tâm

 

Không lo sao được khi những ngày cận Tết này, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện những thông tin về việc các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý các vụ việc buôn bán thực phẩm bẩn; bánh kẹo giả; sử dụng các hoá chất, phụ gia độc hại đối với thực phẩm... bất chấp đến sự an toàn đối với sức khoẻ  người sử dụng. Rồi tình trạng rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, trái cây, rau củ Trung Quốc được “hô biến” thành hàng Việt... diễn ra tràn lan ở khắp các nơi trong cả nước.

Trong khi đó, trên thị trường tỉnh ta, ngoài nguồn thực phẩm tại chỗ, một lượng lớn hàng hoá từ thực phẩm công nghệ đến thực phẩm tươi sống được nhập vào bằng nhiều con đường khác nhau với số lượng rất lớn, đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thì cũng vô chừng.

Để bảo vệ sức khoẻ của gia đình mình, nhiều bà nội trợ cố gắng tìm kiếm các nguồn thực phẩm sạch từ những mối thân quen.

Chị Mỹ Phương (tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mấy năm nay, cứ gần Tết là tôi lại gọi điện hỏi người thân, bạn bè xem có gà, thịt heo, thịt bò chất lượng để mua, còn nếu họ không có thì mình cũng nhờ tìm những chỗ uy tín, tin tưởng mua giùm. Nói thật tôi không yên tâm khi mua hàng ở chợ vì lo lắng mua phải hàng kém chất lượng, hàng để lâu, trong khi ngày Tết đâu phải chỉ có mình gia đình nhỏ của tôi ăn mà cả đại gia đình, bạn bè, khách khứa nữa nên cứ phải tìm nguồn thực phẩm nào tin cậy để mua cho chắc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để mua được những thực phẩm tươi, sạch vì không chỉ khó tìm mà còn luôn có mức giá khá cao. Thế nên, một bộ phận người dân có thu nhập thấp buộc phải lựa chọn thực phẩm có giá rẻ hơn, còn chất lượng hàng hoá thì cũng chỉ biết trông vào may rủi.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ở đường Huỳnh Đăng Thơ, thành phố Kon Tum) cho rằng: Bánh kẹo thì mình còn thấy được nguồn gốc trên bao bì sản phẩm, chưa biết thật giả thế nào nhưng vẫn có cơ sở để biết, còn thịt, cá, rau củ thì người bán nói thế nào mình biết vậy thôi. Nói chung là khi mua hàng thì chỉ nhìn bằng trực quan và trông đợi vào cái tâm của người bán hàng chứ an toàn hay không chỉ khi dùng rồi mới biết mà lúc đó thì việc cũng đã rồi.

Để phần nào hạn chế và ngăn chặn tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, mứt, hạt dưa, rượu, bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm từ thịt... Đặc biệt, các lực lượng chú trọng phối hợp kiểm tra các nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, nhằm hạn chế hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm tung ra thị trường...

Trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, người dân cần kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dễ dãi với những thực phẩm kém chất lượng, mua hàng hoá ở những nơi có uy tín... là cách để tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình.

                      Bài và ành: Thiên Hương

Chuyên mục khác