“Tháo rào” trong tư duy làm OCOP

23/07/2024 13:08

Có một thực tế đáng chú ý là, một số chủ thể OCOP đang xem việc tham gia chương trình này là cuộc thử nghiệm, tham gia cho vui, được thì tốt, không được cũng chẳng sao.

Được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018, trong 6 năm qua, Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thu hút đông đảo chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia.

Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, với 103 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận.

Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá; 20 sản phẩm 4 sao và 207 sản phẩm 3 sao.

Đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán hàng OCOP của tỉnh. Ảnh: HL

 

Có thể khẳng định, sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có thấy vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới; tạo ra nhiều việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Không chỉ vậy, còn làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn.

Mặt khác, Chương trình OCOP còn giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn hiện nay như: Hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn; tạo việc làm, thu nhập thông qua sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP; bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong hành trình ấy, Nhà nước phát huy vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: Hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành các kênh phân phối sản phẩm.

Các chủ thể đóng vai trò chính trong “sân chơi”, thông qua việc tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; không ngừng hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tuy vậy, thực tế triển khai cũng cho thấy những bất cập, tồn tại cần được quan tâm tháo gỡ. Trong đó, đáng chú ý là “rào cản” trong tư duy làm OCOP ở một số chủ thể.

Một chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh từng chia sẻ, một số chủ thể OCOP đang xem việc tham gia chương trình này là cuộc thử nghiệm, tham gia cho vui, được thì tốt, không được cũng chẳng sao.

Còn một chủ thể khác, có sản phẩm tham dự dánh giá phân hạng OCOP cấp huyện nhưng không đạt, bộc bạch rằng, bản thân chưa có ý định tham gia chương trình OCOP vì nhận thấy chưa “đủ lực”.

Nhưng được sự động viên, khích lệ của chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương nên tôi tham gia, dù chưa hề định hình rõ về xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực. Mục đích là tham gia cho biết, để lấy kinh nghiệm, không đạt cũng không vấn đề gì- chủ thể này nói.

Chủ thể cần ‘’dám làm’’ và tự tin về sản phẩm OCOP. Ảnh: H.L

 

Với tư duy ấy, nếu sản phẩm đạt OCOP cũng rất khó để đánh giá về tương lai của nó. Bởi chủ thể sẽ nhanh chóng “đuối sức” trong tìm đối tác và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến thời gian tồn tại của sản phẩm OCOP và trên thực tế cũng đã có những sản phẩm OCOP biến mất vì nguyên nhân này.

Bên cạnh đó, cũng có thể nhận thấy một số chủ thể sớm hài lòng khi sản phẩm của mình được đạt OCOP, coi như đã có “giấy thông hành” để sản phẩm xâm nhập thị trường trong tay. Cho nên chỉ tập trung kinh doanh, không để ý đến việc đánh giá lại nữa.

Trong khi đó, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, chủ thể sản phẩm phải làm thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận lại cho sản phẩm.

Chưa kể đến việc các chủ thể phải tự hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp xem xét, đánh giá, công nhận lại, trong khi đây là quá trình mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí. Vì vậy, nhiều chủ thể không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, phân hạng lại sản phẩm.

Điều này cũng góp phần lý giải vì sao trong đến nay, toàn tỉnh có 80 sản phẩm OCOP hết thời gian hiệu lực, nhưng mới chỉ có 13 sản phẩm được đánh giá lại, còn lại 67 sản phẩm chưa được các chủ thể đề nghị đánh giá, phân hạng lại, dù đây là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP  nhằm đảm bảo cam kết về sự ổn định chất lượng sản phẩm.

Rõ ràng là, để phát triển OCOP bền vững, chính quyền và ngành chức năng cần đồng hành cùng chủ thể OCOP từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm cho đến khi hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm.

Việc đồng hành, hỗ trợ với chủ thể OCOP không nên chỉ được hiểu và thực thi trong khuôn khổ biến ý tưởng thành hiện thực, mà cần tiếp tục hỗ trợ “hậu OCOP”.

Trong đó cần chú ý hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng lại để không bị gián đoạn sử dụng chứng nhận sản phẩm OCOP.

Quan trọng nhất vẫn là chính các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP tự “tháo rào” trong tư duy làm OCOP.

Nghĩa là tham gia OCOP với niềm tin mình có thể phát triển, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm lợi thế của mình; triển khai bằng nguồn lực sẵn có của mình, chứ không phải “làm thử”, hay “làm cho vui”.

Hồng Lam

Chuyên mục khác