10/04/2021 06:03
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta đã đạt được một số kết quả khá tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 88 sản phẩm OCOP được công nhận đạt sản phẩm 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, trong đó, có 82 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao (1 sản phẩm có tiềm năng đạt hạng 5 sao).
Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các chủ thể, phản ánh đúng được tiềm năng và khả năng phát triển sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại và hạn chế, như: Chương trình chưa có sức lan tỏa lớn; đa số sản phẩm đang được sản xuất với quy mô nhỏ, chưa gắn với chế biến và xúc tiến thương mại nên giá trị còn thấp; sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao…
Tham gia thảo luận, đại diện một số chủ thể có nhiều sản phẩm đạt hạng OCOP cấp tỉnh tập trung kiến nghị các vấn đề xoay quanh việc phát triển và quảng bá sản phẩm. Đại diện Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum, doanh nghiệp có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao kiến nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ các chủ thể tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối và xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
|
Đại diện các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao như: HTX Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà), Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ Lâm Thịnh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) cũng kiến nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương, thời gian tới tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP như hỗ trợ kích cầu tiêu dùng bằng việc sử dụng các sản phẩm OCOP tại các hoạt động như Hội nghị, Đại hội và sử dụng làm quà tặng trong các ngày lễ, tết của các sở, ngành, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục, hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ kết nối với hệ thống các siêu thị để trưng bày các sản phẩm OCOP tại vị trí thuận lợi, thu hút được nhiều người tiêu dùng đến xem và mua.
Trả lời các kiến nghị của các chủ thể, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết, thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể quảng bá, truyền thông cho các sản phẩm OCOP. Tại trang thương mại điện tử của Sở Công thương có chuyên mục sản phẩm OCOP, giới thiệu về hình ảnh, thông tin các chủ thể và những nội dung liên quan đến sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Sở Công thương đã tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động 2 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, số 70 đường Lê Hồng Phong và tại số 339 đường Phan Chu Trinh, cùng ở thành phố Kon Tum.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã làm việc với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian 3 tháng tại trụ sở của Trung tâm. Đồng thời, làm việc các địa phương để hỗ trợ các chủ thể trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương sử dụng các sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hoạt động của đơn vị và làm quà tặng tại các ngày lễ, Tết…
Đối với nội dung hỗ trợ bảo hộ sản phẩm OCOP cho các chủ thể, giúp ngăn ngừa việc tranh chấp bản quyền, làm nhái, làm giả các sản phẩm OCOP, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ trả lời, Sở đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các nội dung hỗ trợ này. Các doanh nghiệp khi đến Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Sở Khoa học & Công nghệ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ sẽ được hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết. Đối với các hợp tác xã và hộ gia đình, Sở đã có kiến nghị với UBND tỉnh hỗ trợ các chủ thể này, sẽ thông tin khi có chủ trương cụ thể.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm hơn nữa, cùng các chủ thể khảo sát, khai thác hiệu quả tiềm năng về sản vật của địa phương để phát triển thành sản phẩm OCOP; quan tâm chú trọng phát triển sản phẩm ở các nhóm đang còn thiếu như du lịch, may mặc, đồ lưu niệm; tổ chức đánh giá lại các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu để nâng hạng sao cho sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu sạch, tạo chuỗi liên kết giá trị để phát triển sản phẩm OCOP bền vững và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tập huấn nghiệp vụ quản lý, tổ chức sản xuất, bán hàng online-thương mại điện tử; nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của chủ thể để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.
Đức Thành