Tháo gỡ những bất cập ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng

05/08/2016 06:27

Từ nhiều năm nay, trong công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), việc thi hành các văn bản pháp luật của nhà nước vào việc xử lý các vấn đề khai thác rừng, phá rừng trái phép… còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác QLBVR ở địa phương.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật thường khai thác trong khung xử phạt hành chính, ít khi khai thác vượt khung này để khi bị phát hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ “về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”, thì gỗ trắc, cẩm lai, pơ mu được xếp vào nhóm IIA - tức thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng.

Theo Điều 12, Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”, mức cao nhất trong khung xử phạt khai thác gỗ nhóm IIA trái phép là từ 100 - 200 triệu đồng với khối lượng gỗ tương ứng ở từng loại rừng, như sau: Từ trên 7m3 - 12,5m3 (đối với rừng sản xuất), trên 5m3 - 10m3 (đối với rừng phòng hộ), trên 2,5m3 - 5m3 (đối với rừng đặc dụng).

Nắm bắt quy định này, các đối tượng và người dân thường khai thác gỗ trong khung xử phạt hành chính để khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mức phạt trên là không nhẹ, tuy nhiên, khi bị phát hiện các đối tượng khai thác thường “bỏ của chạy lấy người” và vụ việc trở thành vô chủ. Vì vậy, các cơ quan chức năng thường chỉ thu giữ tang vật, không phạt được các đối tượng và không thu được tiền phạt.  

Cũng tương tự như vậy, ở Điều 20 của Nghị định 157 nói về phá rừng trái pháp luật, mức cao nhất trong khung xử phạt là từ 30-50 triệu đồng đối với trường hợp sau: phá 0,3 - 0,5ha (đối với rừng sản xuất), 0,2 - 0,3ha (đối với rừng phòng hộ), 0,07-0,10ha (đối với rừng đặc dụng). Phá rừng trên khung này, người phá rừng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nắm bắt quy định này, khi phá rừng làm nương rẫy trái phép, các đối tượng thường phát ở diện tích nằm trong khung xử phạt hành chính. Nếu bị phát hiện xử phạt hành chính, các đối tượng không có tiền nộp phạt, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật cũng đành “bó tay”.

Trong trường hợp cương quyết và cứng rắn hơn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, nhưng trong nhà đối tượng thường không có gì đáng giá để có thể bán đấu giá, thu tiền xử phạt và thực hiện theo quyết định cưỡng chế. Vì vậy, biện pháp này vừa tốn công, tốn sức lại cũng không khả thi.

Việc các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương không thu được tiền phạt phá rừng trái pháp luật khiến bà con lờn luật và thường hay tái phạm.

Các lực lượng phối hợp tuần tra bảo vệ rừng ở huyện Đăk Glei. Ảnh: V.N

 

Trước những yêu cầu thực tế đặt ra, ông Liêm đề nghị Sở NN&PTNT, UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương sửa đổi Nghị định 32 chuyển các loài cây gỗ quý hiếm nhóm IIA như đã nói ở trên sang nhóm gỗ IA - tức là thực vật rừng nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Đồng thời giảm khối lượng gỗ ở khung xử lý hình sự đối với hành vi khai thác, vận chuyển các loài gỗ quý hiếm nhóm IA, hoặc xác định giá trị tang vật để định khung xử lý hình sự đối với loài gỗ quý hiếm nhằm tăng cường răn đe, giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác QLBVR.

Ngay cả với gỗ thông thường, cũng phải giảm khối lượng vi phạm trong khung xử lý hình sự và tăng mức hình phạt nặng hơn để răn đen, ngăn chặn các đối tượng vi phạm.

Còn đối với hành vi phá rừng làm nương rẫy, ông Liêm đề nghị trong khung xử lý hình sự cũng giảm diện tích vi phạm để tăng cường tính răn đe, giáo dục và ngăn chặn người dân vi phạm lâm luật hiệu quả hơn.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác