Thành phố Kon Tum: ​Bắp không hạt - Nông dân lãnh đủ

28/02/2017 18:01

​Hơn ba tháng trồng và chăm sóc, đến thời điểm thu hoạch, hàng trăm hộ dân ở các phường Thắng Lợi, Thống Nhất (thành phố Kon Tum) mới ngớ người vì tất cả các ruộng bắp vẫn cho ra trái nhưng không có hạt hoặc rất ít hạt, bắp nhỏ, hạt cứng không thể ăn được nên người dân chỉ còn cách chặt cho bò.

Anh Đặng Vinh Quang (ở tổ 2, phường Thắng Lợi) cho biết: Nhà tôi làm bắp quanh năm bốn mùa, vụ này tôi trồng trên 4 sào bắp loại giống nếp nù 58 của Công ty TNHH Thần Nông (địa chỉ trên bao bì là 1570/16 Võ Văn Kiệt, Phường 7, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh) được mua tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Diệu Trang (trên đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Kon Tum) với giá 35.000 đồng/kg. Bắp được trồng theo đúng kỹ thuật, hướng dẫn trên bao bì sản phẩm; nhờ chăm sóc tốt nên cây bắp phát triển mạnh, ra đều trái (2 trái/cây). Khi bắp trổ cờ, tôi khấp khởi hy vọng sẽ thắng đậm vụ này, ai ngờ đến giờ được thu, bóc ra trái thì không có hạt, trái có hạt thì bắp lại nhỏ và cũng không ăn được bởi hạt rất cứng. Bán chẳng ai mua, vậy là tôi đành chặt cho bò ăn dần.  

Đứng trước ruộng bắp xanh rì, cây cao quá đầu người, anh Quang thở dài ngao ngán khi bóc từng trái bắp ra cho chúng tôi xem. Trái thì trắng tinh không có hạt nào, trái thì kết hạt lưa thưa, trái chỉ nhỏ bằng 1/2 – 1/3 so với trái bắp nếp nù thông thường. Theo anh Quang, mọi năm anh thường trồng giống bắp nếp của thương hiệu Địa Đại hoặc Trang Nông, nhưng năm nay, các loại giống này không có nên anh chọn giống bắp mới này. 4 sào bắp của gia đình anh, trước đây trung bình mỗi vụ cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng, nhưng vụ này coi như mất trắng.

Bắp đã được thu hoạch nhưng vì không đảm bảo về chất lượng và ít hạt nên chỉ để cho bò ăn. Ảnh:Hương Nga

 

Là một hộ vừa trồng bắp, vừa đi thu mua bắp tươi, chị Lê Thị Vân (ở tổ 7, phường Thống Nhất) chia sẻ: Tôi trồng gần 2ha bắp ngoài bãi bồi sông Đăk Bla. Ban đầu, thấy nhiều nhà trồng giống này, cây bắp phát triển mạnh nên tôi cũng ham trồng theo, đến nay phần lớn diện tích bắp đều chưa được thu. Tuy nhiên, tôi đã đặt hàng mua hơn 1ha bắp của một số hộ gia đình ở thôn Kon Hra Chót, giờ “bỏ thì thương mà vương thì tội”, bởi nếu không thu thì tiếc của, mà thu thì mất công, gọi người ta đến bán lấy vốn 1 triệu/sào để cho bò ăn nhưng người ta cũng không mặn mà gì nên tôi cũng chưa biết tính sao.

Không chỉ gia đình anh Quang, chị Vân mà hàng trăm gia đình trên địa bàn thành phố Kon Tum trồng giống bắp này cũng ở vào tình cảnh tương tự. Điển hình như thôn Kon Hra Chót, (phường Thống Nhất) có tới hơn 70 hộ trồng giống bắp này, trung bình từ 2-3 sào/hộ và kết quả sau hơn 3 tháng trời bỏ vốn, công trồng, chăm bón, đến giờ thu được thành quả là những ruộng bắp không đạt về năng suất, không đảm bảo chất lượng nên không thể bán cho thương lái và đành phải chặt cho bò ăn, dọn ruộng để xuống giống vụ khác.

Theo những hộ dân trồng bắp, nếp nù là giống bắp được trồng quanh năm, lấy bắp để ăn. Bắp trồng vụ đông xuân tuy có khó hơn và năng suất không cao bằng các vụ khác, nhưng nhìn chung vẫn đảm bảo có thu và chất lượng bắp thì rất ngon, nhưng loại nếp nù 58 này lại không đạt được bất kỳ một tiêu chí nào. Điều đáng nói là trong khi giống nếp nù 58 của Công ty TNHH Thần Nông này không đạt về năng suất và không đảm bảo về chất lượng thì các giống khác trồng cùng thời điểm vẫn cho năng suất và chất lượng tốt.

Trước tình trạng bắp không đạt phẩm chất và sản lượng, người dân đã phản ánh tới đại lý Diệu Trang, nhưng cơ sở này cho biết họ đã không còn bán loại bắp giống này nữa. Khi phóng viên tôi tìm đến để hỏi về giống bắp kém chất lượng này thì bà Hồ Thị Diệu Trang – Chủ cơ sở cho biết: Đây là giống bắp thương phẩm chứ không phải là bắp lai F1 nên khi người dân mua chúng tôi cũng đã nói bắp này mọc yếu hơn. Còn tình trạng bắp không hạt, ít hạt là do người dân không bỏ phân và do thời tiết không thuận lợi.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi lại: Không phải giống bắp mọc yếu mà ngược lại quá trình nảy mầm và sinh trưởng rất tốt, người dân cũng đã làm đúng quy trình bón phân, tưới nước đầy đủ; nhưng tại sao bắp vẫn không đạt năng suất và nhất là phẩm chất rất kém, thì bà Trang cho rằng: Đây là giống bắp thương phẩm, rẻ tiền nên không thể đòi hỏi cao, chúng tôi đâu có ép người dân mua; còn nếu muốn thắc mắc gì thì người dân cứ gọi điện thẳng đến công ty giống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Châu – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp thành phố Kon Tum cho hay: Loại giống này không phải do Trung tâm giới thiệu nên chúng tôi không thể can thiệp được. Việc người dân mua hạt giống từ các cơ sở bán lẻ nếu xảy ra hiện tượng bất thường nào thì cần lưu lại mẫu bao bì sản phẩm rồi phản ánh với đại lý nơi họ đã mua giống, đại lý sẽ có trách nhiệm báo với công ty cung ứng để tìm hiểu và xác định nguyên nhân chính xác.

Ngành chức năng nói một đường còn cơ sở bán giống lại nói một nẻo nên người nông dân không biết đường nào mà lần. Trên thực tế, theo các hộ nông dân, họ không trực tiếp mua giống của Công ty TNHH Thần Nông nên họ không thể gọi điện và thắc mắc với công ty này, họ chỉ có thể thắc mắc với nơi họ mua giống.

Có thể nói, vụ bắp này rất nhiều hộ dân phường Thắng Lợi, Thống Nhất đã thất thu; tuy nhiên, người dân cũng không muốn chạy quanh để đi tìm câu trả lời. Điều mà người dân mong muốn là đơn vị cung ứng giống, bán giống cần có trách nhiệm với các sản phẩm bán ra trên thị trường, bởi nếu các loại giống không đảm bảo chất lượng thì nông dân không chỉ mất vài trăm ngàn đồng tiền giống, mà thất thu một vụ mùa mới là điều quan trọng nhất.

Hương Nga

Chuyên mục khác