15/06/2021 14:51
|
Mục tiêu đề ra là trong thời gian 1 tháng (từ ngày 15/6-15/7), sẽ hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh cho 80% số trâu, bò và bê, nghé trong diện tiêm phòng trên địa bàn (tương ứng với 100% số trâu, bò đủ điều kiện được tiêm vắc xin).
Để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình tiêm vắc xin, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố triển khai tiêm phòng theo cụm. Chỉ tổ chức tiêm vắc xin khi đã đảm bảo các điều kiện về bảo quản vắc xin và có gióng, giá cố định gia súc.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi hỗ trợ tiêm phòng, UBND các xã, phường tổ chức, huy động lực lượng giúp hộ chăn nuôi trâu, bò làm gióng, giá cố định và tập trung trâu, bò để tiêm phòng đạt hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, việc chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, đặc biệt là triển khai nhanh kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ hạn chế số ổ dịch, giảm thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường do bệnh viêm da nổi cục gây ra.
Cùng với việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh, UBND thành phố chỉ đạo chính quyền các xã, phường và ngành chức năng thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, bao vây khống chế, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng- ông Nguyễn Thanh Mân cho hay.
Theo số liệu thống kê, hiện đã có 9 thôn, làng của 3 xã Ya Chim, Đăk Năng và Ngọc Bay ở thành phố Kon Tum đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Hồng Lam