Thành phố Kon Tum: Thúc đẩy ngành nghề phi nông nghiệp

17/07/2018 13:17

​Thành phố Kon Tum luôn chú trọng chỉ đạo ngành chức năng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động này vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ổn định đời sống người dân vùng nông thôn.

Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Kon Tum luôn quan tâm lãnh đạo triển khai mạnh mẽ, tạo sự chuyển dịch trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tạo ra sự đột phá trong quá trình phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Cơ cấu kinh tế của thành phố đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng công nghiệp hóa. Năm 2017, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 47,12%, ngành dịch vụ chiếm 42,39%, trong khi đó ngành nông nghiệp giảm dần, đến nay chỉ còn chiếm 10,49%.

Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cũng có bước thay đổi đáng kể. Toàn thành phố hiện có hơn 13 nghìn lao động tham gia vào hoạt động ngành nghề nông thôn. Nhiều thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và xây dựng đô thị trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho lao động nông thôn ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Ảnh: L.S

 

Hàng năm, thành phố phối hợp với các trung tâm đào tạo mở khoảng 14 đến 15 lớp đào tạo nghề với từ 500 đến 600 học viên (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Người lao động được đào tạo các ngành nghề dễ bố trí việc làm, như: xây dựng, kỹ thuật điện, may công nghiệp, công nghệ thông tin, sửa chữa bảo trì thiết bị xe máy và thiết bị cơ khí, chế biến nông - lâm sản, nghề truyền thống, trồng trọt… Số lao động được đào tạo đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Huỳnh Tấn Phục - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Trong quá trình xây dựng thành phố để đạt đô thị loại II, thời gian qua, thành phố đã tập trung giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương cơ sở nhằm tạo ra những đổi thay căn cơ trong quá trình phát triển; giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh như vấn đề chuyển dịch nguồn nhân lực giữa các ngành nghề, trong đó trọng tâm là nguồn lao động ở khu vực nông thôn, nhất là ở các vùng “giải toả”. Đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do các nhu cầu về phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị, buộc nông dân phải chuyển đổi nghề nghiệp với đa phần sang khu vực phi nông nghiệp.

“Trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thành phố tăng cường liên kết bốn nhà (nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước); ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi tạo đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản; phát triển dịch vụ nông nghiệp trong các khâu như làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật; phát triển công nghệ sau thu hoạch: công nghiệp bảo quản, chế biến, vận tải… Các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp đang thu hút được một số lượng lớn lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra, còn tận dụng được số lao động nông nhàn vào những công đoạn thích hợp, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn” - ông Huỳnh Tấn Phục khẳng định với chúng tôi về hướng mở tạo ra sự đột phá cần thiết, phù hợp của thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trực thuộc tỉnh mà cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện

Theo ông Huỳnh Tấn Phục, thành phố tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ; cung cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nông dân cho mục tiêu phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, khuyến khích phát triển các làng nghề, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn để tạo năng lực nắm bắt cơ hội chuyển dịch lao động. Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ, hướng dẫn nông dân có đất bị giải tỏa, thu hồi về sinh kế sau giải phóng mặt bằng, để nông dân biết cách chuyển đổi sang các ngành nghề phù hợp, ổn định cuộc sống. Đây là những giải pháp thành phố hướng đến để góp phần cải thiện đời sống kinh tế nông thôn và làm thay đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, thúc đẩy ngành nghề phi nông nghiệp.

Dương Lê

Chuyên mục khác