Thành phố Kon Tum: Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực

29/05/2019 06:15

Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh uỷ về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, thành phố Kon Tum xác định tiềm năng, lợi thế, đưa ra giải pháp để tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực trên địa bàn.

Thành phố Kon Tum xác định 4 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương là: Trồng cây lâu năm, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất sản phẩm từ khai thác khoáng sản, thương mại - dịch vụ.

Thành phố cũng đã xác định 7 sản phẩm chủ lực là: cao su và các sản phẩm từ cao su; mì và các sản phẩm chế biến từ mì; rau, hoa; mía, đường; gạch, ngói, cát, đá, sỏi xây dựng; hàng thủ công mỹ nghệ; sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, dịch vụ khách sạn - nhà hàng.

Trên cơ sở đó, thành phố tiến hành xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch làng nghề, vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, quy hoạch chế biến nông lâm sản, vật liệu xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng sản xuất tập trung, khai thác tiềm năng, phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân và các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đến đầu tư…

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế của thành phố.

Đến nay, vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp (cao su, mía đường) đã được hình thành; các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực phát triển đúng định hướng đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 của thành phố đạt 101,42%, tăng 148,37% so với năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2018 đạt 2.010 tỷ đồng, tăng 101,6% so với năm 2009; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 10.148 tỷ đồng, tăng 384,85% so với năm 2009.

Tổng diện tích cây trồng năm 2018 toàn thành phố đạt 23.363ha, sản lượng một số cây trồng đều tăng so với năm 2009. Cụ thể, sản lượng lương thực có hạt đạt 21.058 tấn, tăng 17,71% so với năm 2009; hơn 732ha cà phê cho sản lượng đạt 1.329 tấn, tăng 35,75% so với năm 2009; sản lượng cao su đạt 12.377 tấn, tăng 69,41% so với năm 2009... Thịt hơi xuất chuồng các loại năm 2018 đạt 9.800 tấn, tăng 64,84% so với năm 2009; sản lượng thủy sản đạt 844 tấn, tăng 43,49% so với năm 2009...

Đến nay, thành phố Kon Tum đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, cung cấp nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến như cao su, mía, mì, rau.

Trong đó, vùng nguyên liệu cao su chủ yếu ở các xã Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình, Ngọk Bay, Kroong, Đăk Cấm, Đăk Blà, Vinh Quang, Chư Hreng. Toàn thành phố hiện có 9.851ha cao su, trong đó diện tích cho sản phẩm là 7.538ha, cung cấp sản phẩm cho các nhà máy sơ chế mủ cao su trên địa bàn.

Cao su - cây trồng chủ lực của thành phố Kon Tum. Ảnh: VP

 

Vùng nguyên liệu mía của thành phố có diện tích 1.445ha, tập trung ở các xã Đoàn Kết, Chư Hreng, Đăk Rơ Wa, Đăk Năng, Ngọk Bay và phường Nguyễn Trãi, cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Đường Kon Tum.

Vùng nguyên liệu mì 5.186ha ở địa bàn 11 xã, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Vùng chuyên canh sản xuất rau tập trung ở một số phường nội thành và các xã vùng ven với diện tích hiện nay đạt hơn 808ha phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài địa bàn.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại- dịch vụ không ngừng phát triển với sự tham gia của các thành phần kinh tế, mạng lưới phân phối được phân bổ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn qua các phương thức kinh doanh linh hoạt như: bán trả góp, trả chậm, giảm giá…

Dịch vụ bưu chính, viễn thông, bảo hiểm, nhà hàng, khách sạn... phát triển mạnh. Các ngân hàng thương mại đã mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn thành phố, góp phần đảm bảo nhu cầu về vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.

Hoạt động ngành kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh. Thành phố hiện đã phát triển được 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Hòa Bình, giai đoạn I (diện tích 59,22ha) được đầu tư hoàn thiện, lấp đầy 100% diện tích và giai đoạn II được điều chỉnh, triển khai tại vị trí mới thuộc phường Ngô Mây với diện tích khoảng 70ha, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, phương án kinh tế kỹ thuật, đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị, đầu tư; Khu công nghiệp Sao Mai, có diện tích quy hoạch 150ha đang tiến hành giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, thành phố đã hình thành nhiều cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp như Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp làng nghề H’Nor diện tích 18,3ha; Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung, phường Ngô Mây với quy mô 36,6 ha; Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung 2, phường Ngô Mây có quy mô 38,3ha và Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sản xuất gạch ngói Hòa Bình quy mô 70ha...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, thời gian tới, thành phố Kon Tum tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với chủ trương dồn điền, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng “cánh đồng lớn” để thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ở những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, các vùng có giao thông và các công trình thủy lợi, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Thành phố cũng sẽ chú trọng đầu tư mạnh hơn trong lĩnh vực khuyến nông, khuyến công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến đầu tư đổi mới công nghệ, quản lý sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng cường công tác quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch, bố trí, sắp xếp các cơ sở sản xuất ngoài quy hoạch vào các khu, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung…

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khai thác tốt tiềm năng du lịch, đa dạng hoá các sản phẩm phục vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch; tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đầu tư kết cấu hạ tầng và kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế vào cụm, khu công nghiệp; phát triển mạnh hệ thống thương mại, dịch vụ để góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, thành phố khuyến khích, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi… nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, xây dựng thành phố Kon Tum ngày càng giàu đẹp.

Văn Phương

 

Chuyên mục khác