Thành phố Kon Tum: Phấn đấu vượt cao chỉ tiêu trồng rừng

13/06/2021 06:04

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XII, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố sẽ trồng mới 300ha rừng. Tuy nhiên, qua đo đạc và thực tiễn diễn biến rừng năm 2020, thành phố phấn đấu trồng mới 1.200ha rừng, vượt 4 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết, nâng độ che phủ rừng lên hơn 10%.

Sau khi phát dọn, chuẩn bị đầy đủ cây giống, phân bón, ngày 4/6, lãnh đạo thành phố Kon Tum cùng hơn 200 đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ và người dân ra quân trồng rừng tại đồi Chư Hreng, xã Chư Hreng. Theo phương án đã được bàn bạc kỹ lưỡng, lực lượng tham gia trồng cây thông 3 lá ở độ cao hơn 1.000m. Ngày ra quân đầu tiên, đã trồng được khoảng 1ha cây thông 3 lá, với số lượng 700 cây.

Có mặt tại buổi trồng rừng, ông Ka Rô Chinh - Bí thư Đảng ủy xã Chư Hreng cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã khoảng 1.000ha. Trong năm nay, theo chỉ tiêu, xã phấn đấu trồng mới khoảng 600ha, khoanh nuôi 200ha. Hiện tại, xã đã tiến hành giao đất, giao cây giống cho hơn 200 hộ dân nhận khoán. “Từ nay trở đi, các hộ dân sẽ tham gia trồng, chăm sóc trên diện tích được giao khoán. Trước hết, mỗi hộ nhận khoán sẽ được hỗ trợ 1 lần (10 triệu đồng) để đầu tư cây giống và chi phí một phần nhân công. Chúng tôi sẽ theo dõi, đôn đốc người dân triển khai trồng, chăm sóc để mang lại hiệu quả” – ông Chinh cho hay.

Các lực lượng chung sức phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Ảnh: H.T

 

Xã Đăk Blà cũng phấn đấu trồng và khoanh nuôi 155ha rừng. Trong đó, trồng mới 105ha và khoanh nuôi 50 ha. Ông Trịnh Lê Văn – Chủ tịch UBND xã Đăk Blà cho biết, ngay sau khi xác định diện tích trồng rừng, UBND xã cùng với kiểm lâm địa bàn đi tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tham gia trồng rừng. Đến nay đã có 67 hộ đăng ký trồng rừng, cụ thể là cây bạch đàn cự vĩ. Vừa qua, xã đã ra quân trồng khoảng 5ha.

Ngoài ra, các xã: Hòa Bình, Đăk Rơ Wa, Đăk Cấm, Ia Chim cũng đã hoàn thiện các khâu làm đất, phân, giống và bắt đầu triển khai trồng.

Đại hội Đảng bộ thành phố Kon Tum lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, trong nhiệm kỳ, phấn đấu trồng 300ha rừng. Tuy nhiên, qua đo đạc, theo dõi diễn biến rừng năm 2020, thành phố đã xây dựng và triển khai Dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu trên địa bàn thành phố Kon Tum năm 2021 với mục tiêu trồng hơn 1.200ha rừng sản xuất trên diện tích đất trống, đồi núi trọc. Ông Nguyễn Thanh Mân – Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố nỗ lực trồng rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng lên hơn 10% và thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày ra quân đầu tiên, xã Chư Hreng (thành phố Kon Tum) đã trồng được khoảng 1ha cây thông 3 lá. Ảnh: H.T

 

Với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 50%, ngân sách thành phố 50%), thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho gia đình, cá nhân và cộng đồng tham gia nhận khoán. Đồng thời hỗ trợ UBND các xã trồng rừng trên diện tích vi phạm xâm lấn, phá rừng trái pháp luật, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp do UBND các xã quản lý. Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa trong công tác trồng rừng.

“Hiện nay đã có một số tổ chức triển khai chương trình “bom hạt giống”. Phương pháp này khá đơn giản nhưng cho hiệu quả cao, chúng tôi sẽ huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, người dân cùng trộn đất với phân, nước, nhào kỹ bằng tay, cho hạt cây rừng cần trồng vào giữa, vo viên lại rồi rải vào đất. “Bom hạt giống” sinh trưởng dựa theo nguyên lý tự nhiên, nảy mầm khi gặp trời mưa, không cần bón phân hay tưới nước. Các đơn vị và thành phố tính toán, trên địa bàn thành phố cần khoảng hơn 2 tấn giống để thực hiện. Sắp tới, cùng với việc trồng rừng theo cách truyền thống, chúng tôi sẽ làm theo phương pháp “bom hạt giống” để nâng cao hiệu quả” – ông Mân cho biết thêm.

Ngoài việc được hỗ trợ, mỗi hộ dân, đơn vị nhận rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng sẽ được trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu, chăn thả gia súc và khai thác các lợi ích khác của rừng phù hợp với quy chế quản lý rừng sản xuất; được tận dụng sản phẩm trong quá trình thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy trình, quy phạm hiện hành; đồng thời được khai thác lâm sản để giải quyết nhu cầu gia dụng; được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng…

Anh A Sắc, thôn Đăk Brong, xã Chư Hreng - hộ nhận khoán trồng gần 5ha rừng ở xã Chư Hreng chia sẻ: “Tìm hiểu về quyền, trách nhiệm khi tham gia trồng rừng, tôi rất yên tâm. Hiện tôi đang xuống giống. Trong thời gian tới sẽ cố gắng chăm sóc, phát dọn thực bì, chống cháy…”.

Song song với việc giám sát, hướng dẫn các chủ rừng, nhân dân thực hiện các giải pháp chăm sóc rừng trồng theo quy định, thành phố Kon Tum đã định hướng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã về trồng rừng để mang lại hiệu quả cũng như có hướng phát triển kinh tế bền vững dưới tán rừng.       

Hoài Tiến

Chuyên mục khác