Thành phố Kon Tum: Mô hình trồng táo bước đầu cho hiệu quả kinh tế

16/01/2019 13:01

Trong các loại cây ăn quả được trồng ở tỉnh, lâu nay chúng ta thường biết đến với các cây trồng truyền thống như bơ, sầu riêng, vú sữa, mít, dưa hấu..., nhưng gần đây có thêm loại cây trồng mới có quả ngon, giàu dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao là táo. Quả táo được trồng trên địa bàn tỉnh ta, có lẽ do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên có vị giòn thơm, ngọt thanh hơn hẳn táo được trồng ở nơi khác.

Ấn tượng hương vị táo

Một lần ăn những quả táo giòn thơm, ngọt thanh từ người bạn biếu và nói là táo này được trồng ở tỉnh, tôi không tin. Anh cười và bảo: Nhiều người cũng khá ngỡ ngàng, không nghĩ đất đai và khí hậu ở tỉnh lại trồng được táo và cho ra những quả táo ngon đến vậy.

Nói rồi anh trưng ra hình ảnh, giới thiệu địa chỉ người trồng táo ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, thì tôi mới biết đó là sự thật và thầm cảm ơn bạn.

Sau lần nếm thử, hương vị táo luôn thôi thúc tôi tìm đến vườn táo. Tuy nhiên, do bận rộn với công việc, phải mất một thời gian tôi mới tìm đến vườn táo mà anh bạn tôi đã giới thiệu.

Mặc dù gần cuối năm bận nhiều việc, nhưng chị Đặng Thị Hải Yến- Chủ tịch Hội Nông dân phường Trường Chinh vẫn không nà hề đưa tôi đến thăm cơ sở trồng táo của ông Đồng Huy Luyện ở thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam của phường.

Thời điểm tôi đến thăm, vườn táo ông Luyện đang cuối mùa thu hoạch. Nhưng rất may mắn, trong vườn táo vẫn còn một vài cây còn quả treo lủng lẳng trên cành. Ông Luyện thật lòng kể: Trong một lần đến tỉnh Gia Lai, ông thấy người thân trồng táo thành công. Giống táo người thân trồng ở đây là cây táo dại ghép với táo Thái Lan do một kỹ sư ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chuyển giao.

Ông Luyện đang giới thiệu về vườn táo. Ảnh: V.N

 

Không bỏ lỡ cơ hội, ông nhờ người kỹ sư này chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống để trồng khảo nghiệm 54 cây táo trên diện tích 500m2 tại vườn nhà.

Chỉ sau mấy tháng, vườn táo nhà ông Luyện cho quả vây đầy cành. Có những cành, táo cho nhiều quả quá, ông phải vặt bớt quả để cành khỏi bị gãy và đủ sức dinh dưỡng nuôi quả. Trồng táo từ tháng giêng, đến tháng 7 thì thu hoạch. Đất đai, khí hậu ở đây phù hợp nên cây táo cho quả to và ngon hơn táo trồng ở Hà Nội. Có những quả táo nặng 2,5-3 lạng.

Lần đầu tiên đưa táo ra chợ, ông hô giá bán 40 nghìn đồng/kg. “Ăn thử thấy táo ngon, dân buôn vẫn không kỳ kèo. Tiếng lành đồn xa, sau đó khách hàng tự tìm đến vườn để mua táo, nhưng không đủ táo để bán. 5,4 tạ táo lứa đầu cho tôi thu nhập trên 20 triệu đồng. So với trồng rau, hoa, cà phê..., trồng táo hiệu quả kinh tế cao hơn”-ông bộc bạch.

Để xây dựng thương hiệu và nhân ra diện rộng

Táo là cây ăn quả không bỏ vỏ, vì vậy, ông Luyện trồng táo theo mô hình an toàn. Việc phòng trừ sâu bệnh cho táo bằng các loại thuốc sinh học phải bảo đảm thời gian cách ly cho phép trước khi bán. Ngày trồng, ngày bón phân, phun thuốc, hái quả và bán ông đều ghi chép cẩn thận. Người mua, ăn quả táo ông trồng ai cũng an tâm.

“Quả táo phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nếu người mua ăn táo có mệnh hệ gì, có mà phá bỏ vườn táo!”- ông giãi bày.

Trồng táo dễ, nhưng ông bảo vẫn phải có bí quyết. Ngoài điều kiện đất đai, khí hậu, ông cho rằng trồng táo ngọt, ngon hay không còn ở khâu chăm sóc. Rồi thời điểm nào cho cây táo ra hoa để vườn táo đậu nhiều quả; cây táo bị bệnh gì, phun thuốc sinh học gì cho phù hợp để diệt được sâu bệnh nhưng không ảnh hưởng đến quả và sức khoẻ cho người tiêu dùng, những yếu tố này, đòi hỏi người trồng phải hiểu biết và tính toán cho phù hợp.

Ngoài vườn táo cho quả, ông còn ươm 1.000 cây táo giống đến kỳ xuất bán. Không giấu nghề, ông bảo nếu bà con có nhu cầu trồng, ông sẽ bán cây giống và chuyển giao kỹ thuật để trồng và xây dựng thương hiệu táo ở tỉnh Kon Tum.

Chị Đặng Thị Hải Yến dành cho ông Luyện những lời nhận xét với sự kính trọng: Bác Đồng Huy Luyện là nông dân sản xuất giỏi ở phường Trường Chinh. Trước đây, khi Trạm Khuyến nông thành phố Kon Tum phối hợp với phường Trường Chinh triển khai mô hình hoa ly ly, măng tây, đồng tiền... cũng chọn bác Luyện thực hiện mô hình. Bác Luyện là một trong những người thực hiện tốt mô hình. 

“Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình táo của bác Luyện, Trạm Khuyến nông thành phố Kon Tum xây dựng mô hình và hỗ trợ cho 4 hộ nông dân trồng 3 sào táo. Cây táo do Trạm Khuyến nông thành phố hỗ trợ cho nông dân trồng xuống giống tháng 11 năm nay”- chị Yến cho biết.

Tuy nhiên, để sản xuất táo thành công và cho hiệu quả kinh tế cao, cơ quan khuyến nông và những người làm công tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật ở tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để có thể nhân ra diện rộng. 

Cây táo đang hiện diện ở thành phố Kon Tum và bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu táo ở tỉnh Kon Tum, tại sao không?

VĂN NHIÊN

Chuyên mục khác