Thành phố Kon Tum: Lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới

18/03/2018 12:59

​Những năm qua, thành phố Kon Tum đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tổ chức buổi gặp mặt đầu năm ở nhà rông, thôn trưởng Plei Rơ Wăk (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) - A Hyup căn dặn bà con dân làng bước sang năm mới cần nỗ lực hơn trong việc chung tay đưa xã Đăk Năng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch thành phố đã đề ra.

Bê tông hóa tuyến đường hẻm số 1, thôn Trung Thành (xã Vinh Quang). Ảnh: TQ

 

Đứng trước dân làng, thôn trưởng A Hyup chia sẻ: Nhờ có xây dựng nông thôn mới, đường làng Plei Rơ Wăk mới được bê tông hóa sạch đẹp, nhà rông của làng được sửa chữa khang trang... Tuy nhiên, ngoài 2 tuyến đường nội thôn dài nhất đã được bê tông hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, làng vẫn còn một số tuyến đường nhánh cần được sự hỗ trợ của Nhà nước và chung tay của người dân.

Cách thức tuyên truyền, vận động của thôn trưởng A Hyup là chỉ rõ những việc cụ thể trong xây dựng nông thôn mới mà bà con dân làng Plei Rơ Wăk từng làm trong thời gian qua, như góp công sức bê tông hóa đường giao thông nông thôn, sân nhà rông, nạo vét kênh mương thủy lợi, làm đường vào khu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập… để bà con dễ hình dung và làm theo.

Nghe thôn trưởng A Hyun nói, anh A Tuâng - người làng Plei Rơ Wăk, rất tâm đắc, điều đó thể hiện rõ trên vẻ mặt của A Tuâng.

Anh A Tuâng chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới là góp phần thay đổi đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn ngày một tốt hơn nên bản thân mình cần phải có trách nhiệm chung tay góp sức.

Biến suy nghĩ thành hành động, sau khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, A Tuâng chỉ giữ lại 1ha đất trồng mì để lấy ngắn nuôi dài, còn lại chuyển đổi sang trồng được 1ha cao su, 0,5ha cà phê. Học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bà con người Kinh trong vùng, A Tuâng còn đầu tư trồng gần 1ha dưa hấu để tăng thu nhập; phát triển chăn nuôi bò để lấy nguồn phân bón cho cây trồng.

Từ chỗ đời sống kinh tế khó khăn, đến nay, trung bình mỗi năm gia đình A Tuâng thu nhập được từ 180-200 triệu đồng. Kinh tế ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên, A Tuâng luôn tích cực đi đầu trong việc đóng góp các khoản kinh phí địa phương huy động, để chung tay xây dựng nông thôn mới; anh luôn là tấm gương cho bà con dân làng học tập và làm theo.

Thôn trưởng A Hyup cho biết, nếu như cách đây 3 năm về trước, cuộc sống của bà con dân làng Đăk Rơ Wăk còn nghèo lắm, đường sá đi lại khó khăn thì bây giờ bộ mặt nông thôn ở đây đã đổi thay rất nhiều; trong thôn chỉ còn 12 hộ nghèo, các tuyến đường chính dẫn vào thôn đều được bê tông hóa đi lại thuận tiện...

Chủ tịch xã Đăk Năng – ông Võ Minh Quang khẳng định, trong những năm qua, nhờ người dân nỗ lực phát triển kinh tế gia đình nên đã góp phần đưa xã Đăk Năng sớm đạt các tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập. Hiện, toàn xã chỉ còn 45 hộ nghèo, chiếm 5,46%; thu nhập bình quân đầu người được nâng lên 31 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch xã Võ Minh Quang, năm 2017, xã Đăk Năng được chọn là xã tiếp theo của thành phố “về đích” nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn ngân sách phân bổ về cho địa phương để triển khai đầu tư các công trình hạ tầng còn hạn chế nên mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt được.

Hiện tại, Đăk Năng mới chỉ đạt được 16/19 tiêu chí nông thôn mới. 3 tiêu chí chưa đạt được gồm: giao thông, trường học, y tế. Cụ thể, xã vẫn còn hơn 8km đường giao thông chưa đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; các trường học vẫn còn thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, phòng chức năng, hiệu bộ; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 71,48%, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi chiều cao theo tuổi 42,38%...

Cùng với việc đề xuất thành phố Kon Tum tập trung ưu tiên các nguồn lực, xã Đăk Năng đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tham gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thông qua các cuộc họp ở địa phương; chỉ đạo trạm y tế xã và nhân viên y tế thôn làng tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng…

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum - Nguyễn Xuân Ninh cho biết, hiện nay, thành phố gặp phải một số khó khăn vướng mắc đối với một số tiêu chí về thu nhập, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; đặc biệt là các tiêu chí cần nguồn lực lớn như: giao thông, thủy lợi, y tế, trường học.

Năm 2017, thành phố Kon Tum huy động gần 76 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó, ngân sách Trung ương 8,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 3,9 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án 10,7 tỷ đồng, vốn tín dụng 25,8 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 24,5 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp gần 2,2 tỷ đồng. Riêng xã Đăk Năng mặc dù được chọn về đích nông thôn mới vào năm 2017 nhưng do vốn ngân sách có hạn nên chỉ phân bổ được hơn 2,3 tỷ đồng vốn đầu tư (trong khi tổng nhu cầu hơn 14 tỷ đồng).

Từ nguồn vốn trên, thành phố đã ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng vốn hơn 45,5 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho tiêu chí giao thông hơn 13 tỷ đồng, đầu tư hệ thống điện hơn 24,5 tỷ đồng, trường học 7,1 tỷ đồng, cơ sở vật chất văn hóa 590 triệu đồng, môi trường 188 triệu đồng.

Trong năm, thành phố triển khai bê tông hóa được 42 tuyến đường theo cơ chế đặc thù với chiều dài hơn 12,6km; xây mới 2 trạm biến áp và 33,873km đường dây trung, hạ thế trên địa bàn 11 xã; đầu tư xây dựng 2 công trình Trường mầm non và Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (xã Ngọc Bay); đầu tư làm mới và sửa chữa 4 nhà văn hóa thôn; sửa chữa hệ thống nước sinh cho người dân thôn Kon Hra Kơ Tu (xã Chư Hreng)…

Đến nay, ngoài 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm Đoàn Kết, Ia Chim, Hòa Bình), thành phố có 1 xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới (xã Đăk Năng), 1 xã đạt 13/19 tiêu chí (xã Vinh Quang); các xã còn lại đạt từ 9 đến 11 tiêu chí. Kế hoạch của thành phố đặt ra trong năm 2018 là tập trung đưa xã Đăk Năng về đích nông thôn mới và đưa xã Vinh Quang cơ bản đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Vườn cà phê của anh A Tuâng ở làng Plei Rơ Wăk (xã Đăk Năng). Ảnh: TQ

 

Ông Nguyễn Xuân Ninh cho biết thêm, để khắc phục những khó khăn trên, thành phố đã xây dựng kế hoạch rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chí của từng xã; những tiêu chí nào đã đạt được tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, những tiêu chí chưa đạt thì phân công cán bộ công chức, các cơ quan phụ trách kết nghĩa sẽ cùng với xã và thôn tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện và tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia xây dựng xã nông thôn mới. Bên cạnh đó, thành phố kiến nghị với tỉnh tăng cường bổ sung nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng đang triển khai cho các xã thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; nâng cao chất lượng, tái cơ cấu lại nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện, trên địa bàn thành phố đang triển khai rất nhiều dự án, đề án vận dụng nguồn kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trên cơ sở đó giúp các xã sớm đạt được tiêu chí về thu nhập.

Để tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, nhất là các xã có sản xuất cây công nghiệp dài ngày (cao su, mía) trên cơ sở liên doanh, liên kết với các công ty, nông trường tiến hành vận động công nhân tham gia mua bảo hiểm cho cá nhân và cho các thành viên trong gia đình.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác