15/10/2019 13:04
Khi mới bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, thành phố Kon Tum gặp không ít trở ngại, vì khả năng cân đối, bố trí vốn còn hạn chế; đời sống kinh tế của nhân dân tại các xã vẫn gặp những khó khăn nhất định, nhất là các xã có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao, chưa kể lúc bấy giờ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn chưa nhiều…
Để việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được thống nhất, UBND thành phố Kon Tum thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và tổ giúp việc ở cấp thành phố, ở cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban quản lý. Đây là việc đầu tiên mang tính quyết định cho sự thành công trong triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, bảo đảm cho quá trình chỉ đạo được chặt chẽ, thông suốt, kịp thời.
Trên cơ sở đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo cấp thành phố, cấp xã đều xây dựng, ban hành quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng tiêu chí, từng lĩnh vực, trực tiếp phụ trách từng thôn và thường xuyên rà soát để đảm bảo việc hoạt động phù hợp với tình hình ở cơ sở.
Thành phố Kon Tum chú trọng tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân được biết, được bàn và trực tiếp đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới.
|
Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum quan tâm trong công tác chỉ đạo lựa chọn cán bộ, đồng thời tiến hành tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới cho 573 lượt cán bộ, công chức các cấp, trong đó cấp xã và thôn trên 508 lượt. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở được nâng lên một bước, công tác triển khai xây dựng nông thôn mới ở cơ sở gặp nhiều thuận lợi.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu nhất quán nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo lan tỏa và hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra. Do vậy, thành phố Kon Tum đã huy động các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố vào cuộc quyết liệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần có kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm trên cơ sở phù hợp với đặc thù của từng tổ chức đoàn thể.
Các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội của thành phố Kon Tum phát động, thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào, kế hoạch gắn với việc xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả nổi bật như: Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; phong trào “Tuổi trẻ thành phố Kon Tum tham gia xây dựng văn minh đô thị và chung tay xây dựng nông thôn mới” của Thành đoàn Kon Tum; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, phong trào “Văn hóa văn nghệ - Thể dục thể thao” của Hội Nông dân thành phố…
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 21 mô hình đang triển khai thực hiện với các nội dung tập trung xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh như: “vận động nhân dân bê tông hóa đường hẻm và đường dân sinh”, “vận động nhân dân cải tạo vườn tạp”, “vận động nhân dân không lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, giữ gìn trật tự an toàn giao thông”…
|
Việc triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động hành động cách mạng thiết thực đã huy động được các nguồn lực xã hội đóng góp vào quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Kon Tum với sức mạnh tổng hợp; qua đó, góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, thành phố Kon Tum tập trung cân đối nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được nâng cấp và hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Đến nay, thành phố Kon Tum có 4/11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Đoàn Kết, Ia Chim, Hòa Bình, Đăk Năng), các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên, số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,81 tiêu chí.
Với kinh nghiệm có được trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hoàn toàn tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Kon Tum sẽ tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 6/11 xã, năm 2025 có 8/11 xã và năm 2030 có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Kon Tum là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đức Thành