24/02/2023 13:04
Phát triển kinh tế gia đình từ năm 2002 với mô hình trồng trọt trên 2ha đất rẫy, chủ yếu trồng cây cao su và cây cà phê, xen canh vài chục cây sầu riêng, đến năm 2018, ông Nguyễn Như Sáng (thôn Tân An, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, loại bỏ dần số lượng cây cao su và cà phê để trồng mới chuyên canh sầu riêng (giống Ri6, Monthong) và xen canh một số cây ăn quả có giá trị thương phẩm cao khác, như bơ, vải, quýt, ổi, cóc.
Chuyển sang trồng chuyên canh cây ăn quả, ông Sáng kết hợp phát triển chăn nuôi bò và dê để có nguồn phân bón cho cây. Đến năm 2020, ông Sáng mạnh dạn đầu tư hơn 120 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động (béc phun mưa tầm thấp).
|
Hiện nay, diện tích vườn 2ha của gia đình ông Sáng đang có tổng cộng hơn 230 cây sầu riêng, nhiều cây sầu riêng trồng mới đã bắt đầu cho ra hoa và năm nay cho thu bói. Với việc lựa chọn giống cây trồng mới và có chất lượng cùng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Sáng đã tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho diện tích vườn trồng của gia đình mình.
Tại thôn Plei Klếch (xã Ngọk Bay), những năm qua, ông Phan Đình Nguyên đều cơ giới hóa vào quy trình trồng cây mía trên diện tích đất sản xuất hơn 70ha của gia đình nằm ở vùng sản xuất liên xã Ngọk Bay và xã Kroong. Diện tích đất sản xuất này, gia đình ông dồn, đổi được từ các hộ dân khác.
Vì diện tích sản xuất rất lớn nên vào mỗi mùa vụ trồng mía, gia đình ông Nguyên đều sử dụng máy cày có công suất lớn để cải tạo đất, bón phân, thu hoạch, vận chuyển mía đến nhà máy. Ông Nguyên cho hay, trừ khâu trồng mía và chặt mía thuê nhân công, các khâu còn lại trong quy trình trồng và chăm sóc ông đều sử dụng các loại máy móc.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, thành phố Kon Tum đã trình UBND tỉnh xem xét lập quy hoạch các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố để trình các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện.
|
Thành phố Kon Tum hiện có 45ha cà phê, 500ha cây ăn quả và 25ha rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao. Thành phố cũng có nhiều xã có các trang trại chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, như tại xã Kroong có 3 trang trại chăn nuôi heo tập trung với quy mô 5.700 con/lứa và đang phát triển thêm 1 trang trại nuôi gà, tại xã Đăk Cấm có 2 hộ gia đình chăn nuôi gà công nghệ cao với số lượng 25.400 con, tại xã Ia Chim có 4 trang trại nuôi heo với quy mô 2.700 con và 2 trang trại nuôi vịt với quy mô 22.000 con, tại xã Đăk Năng hiện có 10 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn từ 50 con/trang trại trở lên.
Thành phố Kon Tum cũng có 4 hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có sản phẩm OCOP tỉnh đạt hạng 3 sao trở lên và 2 tổ hợp tác trồng rau quả các loại (tổng diện tích 8,62ha) vừa ứng dụng công nghệ cao vừa thực hiện quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum chia sẻ, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU đạt hiệu quả và các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước và của các doanh nghiệp, người dân cần tiếp tục phát huy vai trò là chủ thể, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư, liên kết, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất và sản lượng và tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
Đức Thành