24/02/2020 13:04
Để lập lại trật tự đô thị, giải quyết vấn đề chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thời gian qua, thành phố Kon Tum đã triển khai xây dựng một số chợ dân sinh. Đây là chủ trương đúng, không có gì phải bàn cãi, nhưng liệu rằng các chợ này có phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, tránh lãng phí tiền đầu tư và quỹ đất của Nhà nước, vẫn là câu hỏi khiến không ít người dân băn khoăn.
Trước vấn nạn người dân họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường một cách vô tội vạ, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, thành phố Kon Tum triển khai nhiều giải pháp lập lại trật tự đô thị, trong đó có việc triển khai xây dựng một số chợ dân sinh.
|
Ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Từ năm 2018, thành phố có chủ trương sắp xếp, xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm trên toàn địa bàn. Đến nay, thành phố Kon Tum đã triển khai xây dựng 3 chợ dân sinh. Chợ đầu tiên được xây dựng là chợ 16/3 nằm trên địa bàn phường Quyết Thắng với tổng kinh phí đầu tư là 1,7 tỷ đồng, từ nguồn thu do tiểu thương đấu giá vị trí kinh doanh, tiếp đến là chợ khu vực phường Quang Trung với kinh phí đầu tư xây dựng là 6 tỷ đồng mới được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và chợ phía Nam phường Lê Lợi trước mắt được đầu tư 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Sau khi các chợ hoàn thành, thành phố Kon Tum thực hiện chuyển, bố trí, sắp xếp và đưa các hộ kinh doanh tự phát tại một số điểm nóng như đường Hoàng Văn Thụ, khu vực chợ đêm phường Quyết Thắng, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh... vào kinh doanh trong chợ theo đúng quy định. Đưa người buôn bán vào chợ nhằm giúp các hộ dân có địa điểm kinh doanh ổn định, lâu dài, lập lại trật tư trong kinh doanh, xây dựng văn minh thương mại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phải nói rằng mục đích xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm và vấn nạn kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường của thành phố Kon Tum là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn. Thế nhưng, việc phát huy vai trò, hiệu quả của các chợ mới vẫn còn là điều mà không ít người băn khoăn.
|
Thực tế cho thấy chợ 16/3 là chợ đầu tiên được ra đời theo chủ trương này, nhưng chỉ sau vài tháng đưa vào hoạt động, tiểu thương lại bỏ chợ ra họp ở vỉa hè. Chợ có quy mô 170 gian hàng, phân thành các khu bán hàng khô, hàng tươi sống và hàng rau củ, được đầu tư đầy đủ điện, nước, có mái che kiên cố và tổ chức thu gom rác thải hàng ngày. Thời gian đầu, khi mới đưa vào khai thác, các gian hàng được lấp đầy khoảng 75%, nhưng chợ cứ thưa vắng dần, rồi gần như chỉ còn là nơi tá túc cho tiểu thương khi bị lực lượng chức năng truy đuổi gắt gao, dù trước đó họ đã phải bỏ ra không ít tiền để có chỗ ngồi.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Mân thừa nhận việc tiểu thương chợ 16/3 bỏ ra ngoài vỉa hè kinh doanh có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan là người dân có thói quen mua hàng ngoài lề đường cho tiện nên tiểu thương mới ra ngoài buôn bán và khi 1 -2 người ra được thì các tiểu thương khác cũng rủ nhau dọn hàng ra ngoài. Mặt khác, thời gian qua, có tình trạng một số hộ gia đình ở khu vực đường Hoàng Văn Thụ tự ý thỏa thuận cho tiểu thương thuê vỉa hè trước cửa nhà để bán hàng, khi lực lượng chức năng truy đuổi thì dọn hàng vào trong nhà đóng cửa để né tránh. Về mặt chủ quan, chúng tôi phải thừa nhận rằng, thiết kế của chợ 16/3 chưa phù hợp, không thuận tiện cho việc buôn bán và ra vào của người dân. Bên cạnh đó, đôi khi lực lượng quản lý trật tự đô thị vẫn thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, dẫn đến việc người dân “chấp hành nửa vời”, nghĩa là khi có lực lượng chức năng thì tạm lánh còn sau đó lại ngang nhiên lấn vỉa hè buôn bán.
|
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Mân, UBND thành phố Kon Tum đã nhận ra những bất cập này, nên khi thiết kế các chợ sau này có sự điều chỉnh cho hợp lý hơn để tránh tình trạng lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước và những vị trí “đất vàng” bị bỏ phí. Đồng thời, thành phố đã có kế hoạch cải tạo lại chợ 16/3 để thu hút lại tiểu thương vào chợ.
Một khu chợ nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố Kon Tum, được đầu tư bài bản, nhưng sau đó lại cho thấy những bất cập và vẫn không “giữ chân” được tiểu thương, chính điều này khiến không ít người bày tỏ lo ngại cho “số phận” của các chợ được xây dựng sau.
Chẳng hạn như chợ khu vực phường Quang Trung, trước mắt có khoảng 70 tiểu thương vào buôn bán, trả lại lòng đường, vỉa hè cho đường Nguyễn Thị Minh Khai. Thế nhưng, dù đưa vào hoạt động chưa lâu, song không ít tiểu thương đã phàn nàn về vấn đề phân lô, bố trí gian hàng không phù hợp nên chợ nhếch nhác, cả nhà lồng rộng rãi mà chỉ vài người bán đồ khô ngồi ngay phía trước còn phía sau thì bỏ trống; khu vực buôn bán hàng tươi sống thì lúc nào cũng lớp nhớp vì hệ thống thoát nước kém... Vì thế, hiệu quả họat động của chợ này về lâu dài vẫn còn là điều nhiều người đặt câu hỏi. Và chuyện tiểu thương bỏ chợ ra buôn bán ngoài vỉa hè liệu có tái diễn (?)
|
Hầu hết các tiểu thương ai cũng muốn có một chỗ ngồi, nơi buôn bán ổn định, không ai muốn bỏ chợ ra vỉa hè bán để luôn phải nơm nớp lo đối phó với lực lượng chức năng và sự an toàn của bản thân. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn”, khi việc kinh doanh trong chợ không thuận lợi thì buộc họ phải tìm cách ra ngoài mưu sinh.
Xây chợ để đưa hoạt động buôn bán vào nề nếp, góp phần xây dựng văn minh thương mại và để lập lại trật tự đô thị là điều cần thiết. Vì vậy, để tiểu thương không còn bỏ chợ ra vỉa hè buôn bán, để các chợ được đầu tư tiền tỷ không biến thành tạm bợ, gây lãng phí cần những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn của thành phố Kon Tum.
Thiên Hương