18/01/2024 13:22
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, thành phố Kon Tum tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong việc xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm OCOP. Tính đến hết năm 2023, thành phố có 77 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó, có 61 sản phẩm đạt 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao.
Không chỉ quan tâm phát triển về số lượng, thành phố Kon Tum còn đặc biệt chú ý đến khâu xúc tiến thương mại, quảng bá, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, vào cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm OCOP của thành phố từng bước đến gần hơn với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
|
Tính riêng năm 2023, thành phố Kon Tum đã vận động, hỗ trợ 8 đơn vị tham gia trưng bày 3 gian hàng với 19 sản phẩm OCOP tại Lễ hội Liên hoan văn hóa ẩm thực chào mừng Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum; tổ chức 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và OCOP của thành phố tại Hội nghị ra mắt Hợp tác xã Du lịch - Nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa với 32 sản phẩm nông nghiệp và 26 sản phẩm OCOP tiêu biểu; hỗ trợ 1 chủ thể tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện Đăk Tô.
Đặc biệt, tháng 12/2023, UBND thành phố Kon Tum đã hỗ trợ cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim xây dựng và đưa vào khai thác Quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương tại khu phố đi bộ Đăk Bla (phường Quyết Thắng). Đây là trong những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP, đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương theo mô hình chuỗi liên kết giá trị.
Tại quầy trưng bày có nhiều mặt hàng OCOP của thành phố được bày bán, giới thiệu như mít Thái, quýt đường, ổi nữ hoàng, sầu riêng Moongthong, bơ Hass, bưởi da xanh, các sản phẩm Yến sào Kon Tum, Đông trùng hạ thảo Kon Tum, rượu Sâm Ngọc Linh, cà phê. Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh ký gửi trưng bày tại đây. Các sản phẩm được bày bán có đầy đủ tem, nhãn mác và giấy chứng nhận OCOP của cơ quan chức năng, đảm bảo về chất lượng, niêm yết giá bán công khai. Qua đó, người tiêu dùng nhận biết và có điều kiện lựa chọn, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Mặc dù mới được đưa vào khai thác, nhưng bước đầu Quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố Kon Tum thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại phố đi bộ.
|
Bà Vũ Thị Minh Thu (tổ 7, phường Quang Trung) chia sẻ: Tôi thấy, sản phẩm được bày bán tại Quầy trưng bày tương đối phong phú, đa dạng, đặc biệt, có nhiều mặt hàng trái cây rất tươi ngon, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các gia đình. Khi mua các sản phẩm OCOP, tôi rất yên tâm về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Tôi mong muốn trên địa bàn thành phố có nhiều điểm cung ứng và quảng bá sản phẩm như thế này để người dân dễ tiếp cận hơn với sản phẩm nông nghiệp có chất lượng của tỉnh.
Ông Bùi Trung Sơn - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim cho biết: Hiện tại, Quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP mở cửa phục vụ người dân, khách du lịch tham quan, mua sắm chủ yếu vào buổi tối, từ khoảng 16- 21 giờ. Nếu so sánh với những cửa hàng bán lẻ thì sức tiêu thụ hàng hóa tại đây không cao, tuy nhiên, mong muốn của chúng tôi là xây dựng một địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng nhận diện, mua được các mặt hàng OCOP chuẩn về chất lượng của thành phố nói riêng và tỉnh ta nói chung.
Không chỉ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong việc tiếp cận những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, việc đưa sản phẩm OCOP ra phố đi bộ Đăk Bla còn là hình thức quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, khách du lịch có thêm những lựa chọn khi mua quà tặng, quà lưu niệm.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP một cách ổn định, bền vững, thành phố Kon Tum định hướng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tăng cường công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, việc đa dang hóa các kênh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng là giải pháp quan trọng để mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP của thành phố Kon Tum, từ đó, góp phần tạo động lực để các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Thiên Hương