Thành phố Kon Tum: Đưa các thôn làng thoát khỏi đặc biệt khó khăn

15/01/2017 14:22

​Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XV) về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới, thành phố Kon Tum xác định sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, đồng thời phát huy tối đa nội lực của địa phương để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững...

Năm 2010, vợ chồng Y Tũy và A Băng ở thôn Kon Tum Kơ Nâm 2, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) tách hộ ra riêng. Được bố mẹ cho mấy chục mét vuông đất, vợ chồng trẻ này đã dựng nhà tạm để ở. Để có tiền trang trải cuộc sống, hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống.

Năm 2014, gia đình Y Tũy - A Băng được dự án giảm nghèo hỗ trợ 15 triệu đồng mua 1 con bò sinh sản về nuôi. Có được con bò, vợ chồng Y Tũy - A Băng mới dám nghĩ đến chuyện cố gắng làm ăn để thoát nghèo. Năm 2015, thực hiện Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ, vợ chồng Y Tũy-A Băng tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ vay 15 triệu đồng để mua thêm 1 con bò sinh sản và cho 5 triệu đồng để làm chuồng trại chăn nuôi.

Phát triển đàn bò được hỗ trợ từ các chương trình, dự án của hộ gia đình chị Y Tũy, thôn Kon Tum Kơ Nâm 2. Ảnh: T.Q

 

Từ 2 con bò giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, gia đình Y Tũy-A Băng phát triển được đàn bò 4 con. Y Tũy chia sẻ: Vì đất sản xuất hạn hẹp nên hai vợ chồng em đã xác định tập trung chăn nuôi bò. Vợ chồng Y Tũy bàn tính, khi phát triển đàn bò với số lượng nhiều sẽ bán một ít để lấy tiền làm nhà, số còn lại tiếp tục gầy giống để có tiền lo cho 2 đứa con ăn học.

Anh Ka Ta – Bí thư chi bộ thôn Kon Tum Kơ Nâm 2 cho biết, xác định quỹ đất trên địa bàn hạn hẹp nên những năm qua, chi bộ đã lãnh đạo ban nhân dân thôn, mặt trận và các đoàn thể tập trung vận động, tuyên truyền bà con nhân dân phát triển chăn nuôi bò để giảm nghèo.

Đến nay, 80% số hộ dân trên địa bàn đều chăn nuôi bò, mỗi hộ trung bình từ 1-2 con, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án và nhân dân tự vay vốn đầu tư.

Hiện, Đăk Rơ Wa còn 4/5 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn gồm: Kon Tum Kơ Nâm 2, Kon Tum Kơ Pâng 2, Kon Tu, Kon Jơ Ri.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa – Phan Thanh Nam, với đặc thù xã gần 100% dân số là đồng bào DTTS nên vấn đề phát huy nội lực trong dân để đưa các thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn là không dễ dàng. Vì vậy, địa phương phải tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án để đầu tư hạ tầng nông thôn.

Anh Nam cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, địa phương định hướng cho bà con phát triển chăn nuôi bò để tăng thu nhập, giảm nghèo; tập trung vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cao su, bời lời; phân công cán bộ, đảng viên, đoàn thể phụ trách hộ và nhóm hộ để giúp đỡ bà con cách thức làm ăn, chi tiêu hợp lý, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Xã Đăk Rơ Wa phấn đấu đến năm 2020 thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Cùng với xã Đăk Rơ Wa, hiện nay, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) cũng có đến 8/13 thôn nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hải An cho biết: Địa phương nêu cao quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa 30% số thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn (3 thôn), gồm: Kon Hring (2017), Kon Gur (2018), Kon Dreh Plơng (2019) và đến năm 2025, xã không còn thôn đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện điều đó, Đảng ủy xã Đăk Blà tập trung kiện toàn các tổ dân vận, chi bộ, ban nhân dân, mặt trận và các đoàn thể ở thôn để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư cho các thôn đặc biệt khó khăn; huy động nguồn đóng góp xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh; rà soát, giải quyết dứt điểm những ý kiến kiến nghị của người dân, những vấn đề nổi cộm ở cơ sở…

Nhiều hộ dân ở Đăk Rơ Wa đã chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng bời lời. Ảnh: T.Q

 

Hiện nay, toàn thành phố còn xã Đăk Rơ Wa (với 4 thôn) và 17 thôn thuộc 6 xã/phường nằm trong diện đặc biệt khó khăn với hơn 900 hộ nghèo. Phấn đấu đưa xã Đăk Rơ Wa và các thôn, làng thoát khỏi đặc biệt khó khăn, thành phố xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ ở các xã, phường có thôn, làng đặc biệt khó khăn; rà soát, có kế hoạch giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nhân dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện của từng gia đình ở thôn, làng đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn lực trong xã hội, giúp đỡ các xã, phường có thôn, làng đặc biệt khó khăn gắn với việc triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể xây dựng các thôn làng của các địa phương.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh ở cơ sở, xây dựng khu dân cư, thôn làng vững mạnh; củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, các xã, phường tăng cường bám sát địa bàn ở các xã, phường có thôn, làng đặc biệt khó khăn; vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; kiện toàn tổ công tác dân vận và các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội ở các xã, phường có thôn, làng đặc biệt khó khăn…

Sông Côn

Chuyên mục khác