Thành phố Kon Tum: Dân gặp khó vì cao su không khai thác đúng hẹn

10/03/2017 18:00

​Nhiều diện tích cây cao su liên kết giữa người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã đến tuổi cho thu hoạch mủ, nhưng công ty vẫn chưa đưa vào khai thác. Không khai thác, không có thu nhập, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống...

Dân góp đất, công ty đầu tư cây giống, phân bón và công chăm sóc, khi cây cao su vào giai đoạn kinh doanh thì lợi nhuận chia theo thỏa thuận - hình thức liên kết này được thực hiện giữa người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum… Đây được xem là hướng đi mới đầy triển vọng trong chuyển đổi cây trồng, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

Tuy nhiên, đến nay nhiều diện tích cây cao su liên kết theo hình thức trên đã đến tuổi cho thu hoạch mủ, nhưng công ty vẫn chưa đưa vào khai thác, khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, tổng diện tích cao su liên kết được trồng trên địa bàn thành phố Kon Tum trong hai năm 2008-2009 là 631ha với tổng số 930 hộ dân góp đất. Trong đó, diện tích cao su nằm trên địa bàn xã Chư Hreng là 221ha với tổng số 361 hộ liên kết, còn lại nằm ở các xã như Ia Chim, Đăk Blà, Đăk Rơ Wa...

Chị Nguyễn Thị Hoa rấc bức xúc khi thấy vườn cao su liên kết cỏ mọc, cây còi cọc. Ảnh: T.H

 

Năm 2015, công ty đã đưa vào khai thác 153,91ha rải rác ở các xã Đăk Blà, Ia Chim, còn trên địa bàn xã Chư Hreng, nơi có diện tích cao su liên kết lớn nhất của nhiều hộ dân đồng bào DTTS thuộc xã Chư Hreng, phường Lê Lợi, Thống Nhất... hầu như chưa có vườn cây nào được đưa vào khai thác, khiến cho người nông dân như ngồi trên đống lửa.

Ông A Lâm (thôn Kon Hra Ktu, xã Chư Hreng) cho biết: Dân chúng tôi không có khả năng đầu tư, không có kỹ thuật nên khi chính quyền xã phổ biến về chủ trương liên kết để làm ăn, chúng tôi đều rất đồng thuận, ai cũng hy vọng loại cây này sẽ giúp người dân có cuộc sống khá giả hơn. Nhà tôi có gần 9 sào đất trồng cao su liên kết từ năm 2008, theo đúng chu kỳ kiến thiết của cây cao su là 7 năm, nhưng đến nay, mặc dù cây cao su đã 9 năm tuổi nhưng vẫn chưa thấy công ty nhắc gì đến việc mở miệng cạo. Trước đây, diện tích đất này tôi trồng một phần mì để ăn củ, một phần mì cao sản sau tết nhổ bán lấy tiền mua gạo, mắm muối; nhưng gần chục năm nay đã đem góp hết trồng cao su rồi, 3 năm đầu xen canh được ít mì còn đỡ, chứ từ 2011 đến nay nhà tôi không có nguồn thu gì, khó khăn quá cô ơi.

Còn bà A Chuân (thôn Kon Hra Ktu, xã Chư Hreng) thì kể: Trước đây, khi đến vận động người dân góp đất, người của công ty rất nhiệt tình, vài năm đầu thỉnh thoảng còn hỗ trợ cho dân ít mì tôm hay chiếc áo mưa; nhưng mấy năm nay thì không gặp được ai cả. Dân chúng tôi thấy cao su đến tuổi mà chưa thấy công ty rục rịch gì thì nóng ruột, kiến nghị lên với xã, thành phố, nhưng lần nào công ty cũng chỉ trả lời bằng văn bản qua xã. Trước đây khi chưa góp đất để trồng cao su, diện tích gần 1,5ha này tôi để trồng mì, mỗi năm thu một vụ cũng tạm đủ để trang trải trong cuộc sống. Từ khi góp đất trồng cao su, lợi ích đâu chưa thấy chỉ thấy cuộc sống ngày càng khó khăn, không biết thời gian tới nhà tôi sẽ ra sao nữa .

Chính quyền xã Chư Hreng cũng khẳng định rằng, những năm đầu tiên, cây cao su còn nhỏ người dân có thể trồng mì xen canh kiếm thêm thu nhập, nhưng từ khi cây cao su khép tán, người dân không có nguồn thu nhập phụ nên đời sống khó hơn. Quỹ đất sản xuất của các gia đình ở đây đều rất hạn chế lại mang góp trồng cao su; vì vậy việc đợi chờ nguồn thu trong khoảng thời gian đầu tư tới 9 năm (theo dự kiến là 7-8 năm) và chắc chắn là còn kéo dài hơn nữa bởi văn bản công ty gửi trả lời ý kiến cử tri trên xã đã nói rõ phải tới 2018-2019 mới đưa vào khai thác là quá sức đối với bà con.

Để tìm hiểu cụ thể về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Ngô Văn Mân – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Mân cho biết: Nhiều diện tích cao su liên kết hiện tại chưa đủ tiêu chuẩn để đưa vào khai thác. Nguyên nhân là do trước đây, diện tích đất chuyển đổi sang trồng cao su đều là đất trồng mì đã bạc màu, trong thời gian 3 năm đầu, người dân lại xen canh cây mì quá mức dẫn đến cây cao su bị tranh chấp dinh dưỡng không phát triển được. Quá trình chăm sóc, nhiều nông dân còn đưa bò vào thả đã làm ảnh hưởng tới sự phát triển của vườn cây. Công ty cũng đã có khuyến cáo với bà con về thời gian kiến thiết chắc chắn sẽ bị kéo dài hơn dự kiến.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, việc xen canh cây ngắn ngày là chủ trương công ty cho phép và giám sát chặt chẽ quá trình xen canh, vườn cao su liên kết cũng là của dân nên mọi người đều có ý thức bảo vệ, không thể nói đây là nguyên nhân dẫn đến việc cây cao su phát triển chậm. Điều đáng nói là mấy năm gần đây (từ 2014 đến nay), công ty tỏ ra lơ là với việc chăm sóc vườn cây dẫn đến tình trạng cây còi cọc, không đồng đều.

Thực tế, người dân cũng đã dẫn chúng tôi xem một vài vườn cây cao su liên kết và vườn cây cao su hộ gia đình tự trồng để thấy sự khác biệt lớn. Ví như vườn cao su của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 4, xã Chư Hreng) được trồng sát cạnh vườn cao su liên kết với công ty sau cả 2 – 3 năm, vậy mà vườn cây của chị tự trồng và chăm sóc thì rất sạch sẽ, cây to, đều...; trong khi đó vườn cây 9 năm tuổi được liên kết với công ty thì cỏ mọc um tùm, cây còi cọc.

Chị Hoa cho biết: Hầu như nhà nào ở đây trồng cao su cũng đều xen canh mì trong 3 năm đầu để lấy ngắn nuôi dài, nhà tôi cũng vậy, nhưng mình chăm sóc đầy đủ thì vườn cây vẫn tươi tốt. Có những gia đình ở Chư Hreng thấy công ty trồng cao su mới học làm theo, vậy mà vườn cây của họ đã cho thu mủ. Nếu vì bất kỳ lý do chủ quan hay khách quan nào thì công ty cũng cần phải giải thích rõ ràng, tận nơi cho người dân chứ không phải đợi đến khi người dân kiến nghị mới trả lời bằng văn bản theo kiểu đối phó, chiếu lệ.

Tuy nhiên, ông Mân lại khẳng định: không có chuyện công ty bỏ bê vườn cây, nhưng vì tính đến thời điểm hiện tại, định suất đầu tư đã vượt dự toán rất cao, từ 68,8 triệu đồng/ha theo tính toán ban đầu lên đến mức hiện tại là 82 triệu đồng/ha. Việc chăm sóc tập trung nhiều vào thời gian đầu, còn lại mấy năm nay, công ty chỉ thực hiện phát cỏ bằng máy, bón phân để duy trì vườn cây theo kỹ thuật. Công ty cũng đã cân nhắc đến việc đưa những diện tích cao su đủ tuổi vào khai thác, nhưng vì cây cao su còn nhỏ nên e rằng không đảm bảo lượng mủ khi khai thác. Vả lại diện tích các hộ gia đình góp không lớn lắm, thời gian qua, giá mủ lại giảm sâu nên nếu đưa vào khai thác mà thực hiện ăn chia theo tỷ lệ công ty hưởng 50,7% còn nông dân hưởng 49,3% thì e rằng thu nhập không đáng là bao nên công ty buộc phải kéo dài thời gian kiến thiết của vườn cây để cây phát triển thêm. Hiện tại, công ty đã xin chủ trương của Tập đoàn Cao su Việt Nam cho phép những diện tích đủ điều kiện sẽ đưa vào khai thác năm 2018, còn diện tích nào cây quá còi cọc thì đến năm 2019 cũng sẽ đưa vào khai thác hết. Liên kết làm ăn thì được cùng ăn, thua cùng chịu nên người dân cũng nên thông cảm và chia sẻ với công ty.

Cứ cho rằng, kéo dài thời gian đưa vào khai thác diện tích cao su liên kết đến năm 2018-2019 như phương án Công ty TNHH MTV Cao su đưa ra là hợp lý, nhưng nông dân thì đã mất niềm tin, họ rất hoang mang lo lắng bởi không biết chính xác thời gian thu hoạch là đến bao giờ. Chưa nói, nhiều người còn nghi ngờ về khả năng cho mủ và sản lượng mủ khi khai thác bởi các vườn cây này không đảm bảo quá trình phát triển.

Có thể nói, chủ trương liên kết trồng cao su là đúng đắn nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, mở ra cơ hội để người dân thoát nghèo, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, việc vườn cây lỗi hẹn kỳ khai thác đã đẩy người nông dân vào tình cảnh khó lại càng khó và vòng luẩn quẩn của cái nghèo vẫn cứ  đeo bám họ.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác