27/05/2020 13:00
Theo đánh giá của UBND thành phố Kon Tum, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng hầu hết các cơ sở hoạt động không hết công suất. Dịch vụ, thương mại hạn chế, một số dịch vụ phải tạm ngưng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; sức mua giảm sâu. Do đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay sau kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg), thành phố Kon Tum tập trung chỉ đạo đưa các hoạt động kinh tế- xã hội trên địa bàn trở lại “trạng thái bình thường mới” và bắt tay triển khai nhiều biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Điệu – Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Để thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế mà “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội, thành phố Kon Tum đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, công tác giám sát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài được đặt lên hàng đầu nhằm không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt, kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh phục hồi và phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; vừa tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố Kon Tum cũng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, cơ chế thông thoáng, minh bạch; tăng cường các hoạt động xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn.
|
Hiện tại, Chi cục Thuế thành phố Kon Tum phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kịp thời chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh các biện pháp thu ngân sách, thu nợ đọng thuế; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, khai thác chế biến lâm sản, khoáng sản, xây dựng cơ bản nhà tư nhân.
Cùng với các giải pháp của chính quyền thành phố Kon Tum, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng chủ động nỗ lực vượt khó, ổn định lại hoạt động để lấy lại đà tăng trưởng.
Anh Mai Văn Cường – chủ Cửa hàng Vật liệu xây dựng Tiến Cường (đường Trường Chinh) chia sẻ: Mấy tháng qua, các hoạt động xây dựng giảm nên lượng hàng bán ra của chúng tôi giảm tới hơn một nửa so với mọi năm. Doanh thu giảm sâu, trong khi lương công nhân, các khoản chi phí gần như không thay đổi, tiền lãi của ngân hàng vẫn đều đều khiến cửa hàng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các công trình xây dựng khởi động lại nên tình hình kinh doanh của cửa hàng đang có những tiến triển tốt. Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, giãn nợ, giảm lãi suất được áp dụng sẽ giúp cửa hàng tăng nhanh doanh thu, lợi nhuận.
Mấy tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị chững lại khiến cho hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần KoRa (phường Trường Chinh) bị giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi hết thời gian cách ly xã hội, Công ty nhanh chóng khảo sát, tìm hiểu các thị trường mới để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, tăng doanh thu.
Chị Trịnh Thị Nhung – Giám đốc Công ty cổ phần KoRa cho biết: Các sản phẩm của doanh nghiệp là thực phẩm chế biến từ dược liệu. Thời gian qua, dịch bệnh tác động đến thu nhập của nhiều người cộng với việc người dân hạn chế đi du lịch, đi mua sắm khiến cho việc tiêu thụ bị chậm lại, doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất. Do đó, để thúc đẩy sản xuất, một mặt, doanh nghiệp vừa thực hiện đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, một mặt công ty mở rộng các kênh phân phối ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước với mong muốn nhanh chóng bù đắp lại thiệt hại về doanh thu trong thời gian qua, tạo cơ sở mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Điệu, để thúc đẩy các hoạt động kinh tế trên địa bàn, UBND thành phố đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm những tồn tại nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, nhất là các dự án của tỉnh đang triển khai trên địa bàn để kịp thời bàn giao cho chủ đầu tư; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án chỉnh trang đô thị, gắn với khai thác quỹ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại, dịch vụ. Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp UBND các xã, phường tích cực hướng dẫn người dân thực hiện tái cơ cấu lại một số loại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và hạn hán kéo dài; trong đó, tăng cường gieo trồng một số loại cây có thị trường tiêu thụ tốt, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn heo đảm bảo an toàn sinh học.
Với những giải pháp thiết thực, chỉ đạo quyết liệt, hành động mau lẹ, thành phố Kon Tum phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh.
Thuỳ Hương