Thành phố Kon Tum: Bao giờ mới có khu giết mổ gia súc tập trung?

31/03/2017 07:57

Một trong những khâu quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là quản lý tốt hoạt động giết mổ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của thành phố Kon Tum vẫn… nằm trên giấy, khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

100% cơ sở không nằm trong quy hoạch

Được sự giới thiệu của ngành chức năng, chúng tôi tìm hiểu một số cơ sở giết mổ heo ở thành phố Kon Tum. Tại cơ sở của hộ gia đình ông Đ.V.B (thôn 9, xã Đăk Cấm), chúng tôi thấy nơi này có quy mô tương đối lớn, mỗi đêm giết mổ từ 5-7 con heo. Nhưng, quy trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh, tất cả dây chuyền giết mổ một con heo diễn ra không quá 20 phút. Việc làm lông, luộc lòng đều dùng chung một chảo nước luộc. Rác thải, nước thải tại cơ sở này đều đổ trực tiếp ra môi trường vì hệ thống thu gom và xử lý không có. Tuy nhiên, theo chủ cơ sở này, phía sau là vườn chuối, nhà dân ở gần ít nên không ảnh hưởng nhiều. Cơ sở của gia đình thuộc loại sạch sẽ nhất thành phố, bởi nhiều nơi khác nằm trong khu dân cư chật chội nên dơ bẩn hơn rất nhiều.

Một cơ sở giết mổ khác nằm ngay trong khu dân cư ở tổ 5, phường Trường Chinh, nhiều lần người dân phản ảnh lên phường về vấn đề gây mất vệ sinh môi trường khu dân cư, nhưng chưa thể di dời được. Chị N.T.S – chủ hộ kinh doanh phân trần: Gia đình tôi mở điểm giết mổ gia súc này đã gần 20 năm nay. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nếu bỏ nghề này, cả nhà 5 người lấy thu nhập từ đâu trang trải. Hơn nữa, chúng tôi chưa có điều kiện để di dời đến nơi khác, mong thành phố sớm có khu giết mổ tập trung, chúng tôi sẽ đăng ký…

Thành phố Kon Tum có 63 điểm giết mổ gia súc hoạt động nhỏ lẻ ở 14 xã, phường và 100% cơ sở không nằm trong quy hoạch. Ảnh: D.L

 

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 97 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động không giấy phép kinh doanh và chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y. Trong đó, thành phố Kon Tum có 63 điểm giết mổ gia súc hoạt động nhỏ lẻ ở 14 xã, phường và 100% cơ sở không nằm trong quy hoạch, không có thiết kế xây dựng liên quan về giết mổ gia súc ở khu dân cư. Nhiều lò mổ tư nhân không có khu vực bố trí điểm sạch và bẩn khi đưa động vật vào xử lý vệ sinh trước khi giết mổ, đến khi ra sản phẩm thịt tươi sống. Thế nhưng, trung bình mỗi ngày, các điểm này đưa ra thị trường tiêu thụ 200 con heo, bò, trâu và hàng trăm con gà, vịt…

Khó tránh khỏi hệ lụy

Anh Trịnh Quốc Đạt (phường Trường Chinh) than vãn: Việc các lò mổ nằm trong khu dân cư đã gây ảnh hưởng rất nhiều về môi trường. Ban ngày thì tiếng heo kêu đinh tai nhức óc. Ban đêm thì tiếng ồn ào phát ra từ hoạt động giết mổ, đó là chưa kể mùi hôi thối mỗi khi heo được nhập về. Sinh hoạt của những người dân sống gần lò mổ từ bữa ăn cho đến giấc ngủ…, ngay cả giặt quần áo cũng có cảm giác không sạch do mùi hôi thấm vào. Chúng tôi phải chịu đựng cảnh này không phải ngày một ngày hai mà đã hơn 20 năm rồi.

Trong quá trình nắm bắt nguyện vọng người dân, ông Hà Đường - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Đã nhiều năm qua, Phòng Kinh tế luôn chịu kiểm điểm về việc chậm xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Đợt tiếp xúc cử tri nào người dân cũng có ý kiến về việc các lò mổ nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống. Theo quy hoạch, khu vực giết mổ gia súc tập trung của thành phố Kon Tum được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho sử dụng diện tích 11.394m2 đất ở phía tây suối Đăk Tod Rech, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang. Diện tích đất này đang bỏ trống, chưa sử dụng vào mục đích nào, lại ở xa khu dân cư. Khu vực này rất thuận tiện cho việc đi lại giữa các xã phường trên địa bàn thành phố, cũng như thực hiện kiểm soát đầu vào - ra của gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đáp ứng cơ bản quy định cần kinh phí 5-7 tỷ đồng, nên việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Hiện nay, Phòng Kinh tế đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng thành phố Kon Tum hoàn thiện hồ sơ dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đừng để dự án nằm mãi trên giấy

Theo lãnh đạo UBND thành phố Kon Tum, từ năm 2015, địa phương đã xây dựng phương án quy hoạch khu vực giết mổ gia súc tập trung và bố trí quỹ đất ở thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang để thực hiện. Tuy nhiên, đến nay ngân sách thành phố khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư. Trước đó, UBND thành phố đã tổ chức tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực này nhưng chưa khả thi. 

Đến nay, nhiều huyện trong tỉnh như Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi… đã xây dựng được khu giết mổ gia súc tập trung, nhưng ở thành phố Kon Tum thì dự án vẫn… nằm trên giấy. Đã qua nhiều năm rồi, người dân vẫn khốn khổ với các cơ sở giết mổ gia súc tự phát. Vì vậy, thành phố Kon Tum cần nhanh chóng tiến hành xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung.

Việc xây dựng và di dời các cơ sở giết mổ vào khu giết mổ tập trung là cần thiết, tạo cơ sở để quản lý hoạt động giết mổ một cách chặt chẽ. Hơn nữa, nhu cầu xây dựng khu giết mổ tập trung không phải phát sinh từ bây giờ mà đã có chủ trương từ nhiều năm trước và ngày càng trở nên bức thiết, nhất là ở một thành phố đang chỉnh trang, đầu tư xây dựng đô thị văn minh sạch đẹp, phấn đấu lên đô thị loại II như thành phố Kon Tum.  

                                                                                  Dương Lê

Chuyên mục khác